Nơi luyện rèn của những người trẻ nhiệt huyết |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lớp lớp những người con của Hà Nội cũng nô nức lên đường, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ngày ấy, phong trào viết đơn bằng máu xin ra trận thực sự thể hiện quyết tâm chiến đấu hết mình, cống hiến tuổi xuân cho đất nước của thanh niên Thủ đô. Có những con phố, những trường đại học thưa vắng hẳn đi sau mỗi đợt thanh niên xin lên đường ra trận.
![]() |
Thanh niên Hà Nội nô nức lên đường chống Mỹ |
Chỉ tính riêng từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hơn một nửa đã hy sinh tại các mặt trận nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị.
Bao nhiêu người trở về, bao nhiêu người nằm lại trên khắp mọi miền Tổ quốc để bây giờ hầu hết các phường, xã tại Hà Nội đều có nghĩa trang và nhà bia tưởng niệm liệt sĩ. Có những người lính Thủ đô đã trở thành huyền thoại như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm. Tấm gương chiến đấu, sự hi sinh của họ còn được đất nước mãi mãi về sau ca ngợi cho tinh thần bất diệt, đại diện cho tuổi trẻ Việt Nam. Có những người lính không chỉ cầm súng chiến đấu trên chiến trường mà còn cầm bút ghi lại những trang sách giá trị về cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc như Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến…
Hà Nội cũng có những người như anh sinh viên Hoàng Nhuận Cầm đang học dở khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971 đã “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” (tên một bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm) và chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Sau những “Thơ tuổi hai mươi”, “Những câu thơ viết đợi mặt trời”, “Xúc xắc mùa thu”, bằng tình yêu đất nước, yêu đồng đội và những trải nghiệm chiến tranh của mình, Hoàng Nhuận Cầm đã viết nên những kịch bản phim nổi tiếng “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Áo chàm Bắc Sơn” và đặc biệt là “Mùi cỏ cháy” - bộ phim dựa trên quyển nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” .
Tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Thạc- một người con của làng Bưởi, Hà Nội, nhập ngũ ngày 6 tháng 9 năm 1971, hy sinh ngày 30 tháng 7 năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị vẫn luôn là một bài ca bất tử về lẽ sống, sự chiến đấu và hi sinh tiêu biểu cho thanh niên yêu nước Việt Nam và của Hà Nội.
![]() |
Sinh viên Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân) trước giờ lên đường nhập ngũ tháng 9/1971. |
Hà Nội còn có bác sĩ Đặng Thùy Trâm- cựu học sinh của Trường Chu Văn An, Hà Nội và là giọng ca xuất sắc của trường Chu Văn An và Đại học Y Hà Nội. Là con nhà y, kết quả học tập tốt, chị không chọn ở Hà Nội với nhiều cơ hội thăng tiến mà xung phong và được cho tốt nghiệp sớm để đi chiến trường. Hy sinh khi mới 28 tuổi xuân nhưng cùng với cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”, những năm tháng sống và cống hiến của chị thì mãi mãi vẫn là tấm gương sáng cho tuổi trẻ Hà Nội cũng như cả nước soi chiếu vào và học tập.
Sinh năm 1952 tại Phú Xuyên (Hà Nội), cô gái Đồng Thị Mai năm ấy vừa tròn 19 tuổi. Lớp lớp đàn anh ra chiến trường, lòng Mai cũng như lửa đốt. Năm 1971, tin tức chiến trường ác liệt dội về, không thể ngồi yên trên ghế nhà trường, cô chích tay lấy máu viết đơn, tha thiết bày tỏ nguyện vọng được nhập ngũ.
![]() |
Cô Đồng Thị Mai |
Dù tự tin là một thôn nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đang làm công tác Đoàn, tham gia đưa thư từ, công văn cho xã nhưng để “chắc ăn”, cô vẫn phải bỏ thêm những hòn đá nhỏ vào hai bên túi quần cho đủ cân nặng khi khám tuyển quân. Gần nửa thế kỉ trôi qua, khi ngồi với chúng tôi ở Hà Nội trong cái nắng tháng năm đổ lửa, cô Đồng Thị Mai vẫn bật cười vì sự hồn nhiên và quyết tâm đi chiến trường bằng được của mình ngày ấy.
Rồi ngày chiến thắng cũng đến, “do số mình không chết nên được sống sót trở về”, cô Mai tâm sự. Chuyển ngành ra làm y tế, năm 1976, cô Đồng Thị Mai nên duyên với một anh bộ đội ở chiến trường Tây Ninh tám năm ra Bắc. Cùng là bộ đội vào sống ra chết nên vợ chồng cô hay kể lại chuyện chiến trường xưa.
Hai con cô đã trưởng thành, biết việc ý nghĩa mẹ đang làm nên luôn tạo điều kiện để cô hoạt động trong Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn, tri ân, hỗ trợ, tặng quà cho những đồng đội xưa kia trở về cuộc sống đời thường gặp khó khăn, vất vả. Không chỉ tham gia vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp, bản thân cô Đồng Thị Mai vẫn đi làm thêm, lấy tiền đó để hỗ trợ đồng đội mình.
Chú Lương Xuân Sáng, con trai thứ hai của họa sĩ nổi tiếng Lương Xuân Nhị không nối nghiệp cha. Năm 1965, vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên phố cổ hào hứng lên đường nhập ngũ. Từ Hà Nội lên Thái Nguyên nhập vào đơn vị pháo cao xạ, anh tiếp tục vào thẳng Trường Sơn.
![]() |
Chú Lương Xuân Sáng |
Đang học dở cấp ba, còn chưa có người yêu, Liên khu đội khuyên anh cứ ở Hà Nội tiếp tục học nhưng anh nhất quyết tình nguyện đi chiến trường. Gia đình anh, trong đó có cha là họa sĩ Lương Xuân Nhị rất thoải mái với quyết định của con trai.
Bản thân cụ Lương Xuân Nhị là người rất thành công với mảng tranh “địch vận”, nghĩa là vẽ tranh khơi gợi, vận động những tâm tư sâu lắng, thầm kín nhất của con người, ở đây là những lính Pháp, lính Mỹ để họ bị lay động tâm can, thấy chán ghét chiến tranh. Cụ là người “đuổi giặc” bằng tác phẩm, có lẽ cũng muốn con mình đuổi giặc nơi trận tiền khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở vào giai đoạn khốc liệt.
Thế là, chàng thanh niên Lương Xuân Sáng hết ở đơn vị pháo cao xạ lại chuyển sang học lái xe, cầm vô lăng hai năm dọc ngang trên khắp các tuyến đường Trường Sơn.
Đợt tuyển quân năm 1966 tại Cục kiến thiết cơ bản ở Hà Nội, những cán bộ và các thanh niên hết sức ngạc nhiên vì có một cô gái nhỏ vai còn đeo khăn quàng đỏ, đi thẳng từ trường cấp hai Đoàn Kết đến, rất nhanh nhẹn và hăng hái đứng xếp hàng. Mọi người hỏi: “Cháu đến đây làm gì”?. Cô gái trả lời: “Cháu đến tuyển quân” và cũng ghi tên, trèo lên cân như các thanh niên khác.
![]() |
Cô Nguyễn Thị Vọng Hương (chỉ tay vào hiện vật) trong ngày gặp lại đồng đội của mình |
Mãi đến chiều, khi rất đông các anh chị được gọi tên, cô gái chẳng thấy tên mình đâu thì… thắc mắc. Mọi người ở đó cười trêu: “Còn đeo khăn quàng đỏ đi bộ đội làm sao được, thôi về đi”.
Với tính quyết liệt của mình, cô gái nhất định không chịu bỏ cuộc. Hôm sau, cô nhờ anh họ đến bảo lãnh. Thế là trúng tuyển. Năm đó cô gái Lê Thị Vọng Hương mới 15 tuổi.
Chín năm làm xong ba nhiệm vụ chính trị lớn của đời: 1963 vào Đội, 1966 kết nạp Đoàn, 1969 kết nạp Đảng, với sự quyết liệt của mình, cô gái Lê Thị Vọng Hương đeo khăn quàng đỏ đi tuyển quân từ ghế nhà trường vào thẳng rừng Trường Sơn. Trường Sơn là nơi cô sống hết mình cho lí tưởng, gặp gỡ người yêu để khi về lại Hà Nội, họ đặt tên các con là Trường và Sơn để luôn nhắc nhớ về một phần tuổi trẻ sôi nổi của mình.
Còn rất rất nhiều người như chú Sáng, cô Hương, cô Mai. Người ra đi người may mắn được trở về viết tiếp ước mơ dang dở. Tất cả lứa thanh niên ngày ấy đều biết việc gì cần làm trước. Đó là chiến đấu để giành độc lập tự do cho đất nước rồi học hành, lo cho gia đình, cá nhân sau. Lí tưởng ấy đã dẫn dắt trái tim họ, trở thành đặc trưng tự hào của thế hệ mình.
(Còn nữa)