Bài 1: Tiếp bước truyền thống, khởi nguồn khí thế thanh niên thời đại Hồ Chí Minh


TTTĐ - Dù đất nước có chiến tranh hay khi đang hòa bình thì quân đội vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đảm bảo an ninh của Tổ quốc. Ý thức sâu sắc được điều đó, thanh niên Thủ đô ngày nay luôn phát huy truyền thống tòng quân vệ quốc được nối tiếp qua bao thế hệ.
“Bốt điện nở hoa”, “Tranh tường bích họa”- dấu ấn thanh niên chào mừng Đại hội Đảng

Những “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt”

Thăng Long - Hà Nội khi xưa là kinh đô nhiều đời. Việc bảo vệ kinh thành cũng như tập luyện trong quân đội không chỉ có những binh lính từ khắp cả nước mà người Thăng Long cũng đóng góp một phần quan trọng. Dù sử sách không ghi lại nhiều nhưng câu chuyện cả ngàn trai tráng trong vùng tề tựu dưới lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” của người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản vẫn là câu chuyện đẹp về lòng yêu nước và sẵn sàng bảo vệ tổ quốc của thanh niên kinh thành.

Hầu hết họ là những người tuổi còn rất trẻ nhưng chí khí, lòng dũng cảm và thông minh, gan dạ “ba quân hùng khí nuốt sao Ngưu” (ý thơ Phạm Ngũ Lão). Họ đã trở thành cảm hứng để người đời sau viết nên bao nhiêu áng văn chương. Chắc chắn tuổi thơ của hầu hết các thế hệ người Việt Nam gần đây đều khắc sâu hình ảnh chàng Hoài Văn hầu bóp nát quả cam qua tiểu thuyết “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản vẫn luôn là tấm gương sáng chói về tinh thần tuổi trẻ hăng hái trước vận mệnh của đất nước
Người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản vẫn luôn là tấm gương sáng chói về tinh thần tuổi trẻ hăng hái trước vận mệnh của đất nước

Nhà văn Lưu Sơn Minh cũng “nhuận sắc” lại cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” anh đã từng viết cách đây 16 năm. Đọc tập sách này, độc giả như bị cuốn theo tráng chí của tuổi trẻ, lòng nhiệt thành sôi sục và sự thông minh, tinh nghịch rất “chất” lính Thăng Long dưới trướng vị chủ tướng 17 tuổi. Họ đánh giặc như chơi, gieo bao kinh hoàng cho kẻ địch bằng những trò chỉ tuổi trẻ mới có.

Bất kì hiểm nguy, gian khó nào cũng không làm khó nhưng họ lại trở nên lúng túng, vụng về trước các cô thôn nữ. Hình ảnh hào hoa, lãng mạn ấy được nối tiếp trong các anh Vệ quốc đoàn thời chống Pháp. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, niềm vui nước nhà độc lập chưa được bao lâu thì giặc ngoại xâm vẫn từng bước đe dọa hòa bình dân tộc.

Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, thanh niên trai tráng Hà Nội nô nức lên đường tòng quân. Ngay cả những học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng “vứt bút nghiên theo nghiệp đao cung”. Vì thế mà trong đoàn binh Tây Tiến vẫn có những anh lính “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Những anh lính Hà Nội lên đường kháng chiến, mặc áo trấn thủ, tranh thủ lúc giải lao kéo đàn măng đô lin luôn là một hình ảnh đẹp mà không phải nơi đâu cũng có. Có thể kể đến nhạc sĩ, liệt sĩ Nguyễn Như Trang, tác giả của rất nhiều ca khúc như “Vượt biên thùy”, “Trấn biên cương”, “Hành khúc quân đoàn miền Tây”, “Tiếng cồng quân y”…

Bài 1: Tiếp bước truyền thống, khởi nguồn khí thế thanh niên thời đại Hồ Chí Minh
Chiến sĩ ôm bom ba càng sẵn sàng "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh"

Là một học sinh Hà Nội đàn hay vẽ giỏi, đầu năm 1945 khi chưa tròn 18 tuổi, ông gia nhập vệ quốc đoàn, là Đại đội trưởng của Tiểu đoàn 212 thuộc Trung đoàn Thủ đô. Đầu năm 1947, ông gia nhập đoàn quân đi bảo vệ biên cương phía Tây của Tổ quốc và hy sinh khi mới 22 tuổi.

Đặc biệt phải kể đến huyền thoại 60 ngày đêm "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của quân và dân Thủ đô trong những ngày đầu “Toàn quốc kháng chiến”. Mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, thiếu thốn, phải chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, chiến đấu ác liệt trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, nhiều ngày phải nhịn ăn, nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh anh dũng nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, bất khuất, kiên cường, sáng tạo, các chiến sĩ ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao. Các chiến sĩ trẻ đã kìm chân địch trong hai tháng (từ ngày 19/12/1946 - 18/2/1947), tạo thời gian để Chính phủ, các cơ quan Trung ương rút ra và tổ chức kháng chiến lâu dài.

Các chiến sĩ Trung đội 2, Tiểu đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng
Các chiến sĩ Trung đội 2, Tiểu đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng)

Trong đó, tấm gương “Quyết tử quân số 1 của Thủ đô” là Lê Gia Đỉnh, sinh năm 1920 ở làng Chắm (tức Trúc Lâm), huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Năm 1945, anh tham gia giành chính quyền ở Hưng Yên, rồi vào bộ đội đóng quân ở Hà Nội. Anh là chính trị viên của Đại đội 1 - đại đội các chiến sĩ cảm tử thuộc Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn (khi đó ở Hà Nội có 12 đội cảm tử).

Ngày 19/12/1946, Đại đội 1 được giao trấn giữ Bắc Bộ phủ. Khi quân Pháp tấn công, anh Lê Gia Đỉnh đã cùng đơn vị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh hy sinh khi mới 26 tuổi và được tặng danh hiệu “Quyết tử quân số 1 của Thủ đô”.

Tháng 4/2000, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Để tôn vinh tấm gương người anh hùng, năm 1994, Nhân dân thành phố Hà Nội đặt tên một con phố mang tên Lê Gia Đỉnh.

Trân trọng sự quả cảm và hy sinh anh dũng của quân dân Hà Nội, ngày 27/1/1947 (mồng 5 Tết Đinh Hợi - kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tuyên dương tinh thần chiến đấu và quyết tử của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Trong thư, Người ân cần thăm hỏi tình hình ăn Tết, khen ngợi tinh thần gan dạ chiến đấu của các chiến sĩ và dặn dò những điều cần thiết.

Thư của Người có đoạn: “Các em là đội cảm tử, các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại. Cái tinh thần quật khởi đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc, tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau…”.

Từ đó, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã thành lời thề thiêng liêng, là mục đích cao cả, biểu tượng sáng ngời về tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.

Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô là mốc son chói lọi trong trang sử vàng đấu tranh cách mạng; Là chiến dịch lịch sử đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam và cùng với chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 đã làm rạng rỡ đất Thăng Long - Hà Nội; Là hình ảnh tuyệt vời về truyền thống “Cả nước đánh giặc, toàn dân ra trận”, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” là sự kế thừa và phát huy trang sử vẻ vang đánh giặc giữ nước của Thăng Long - Đông Đô.

Đó cũng là sự tiếp nối khí phách hào hùng của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... với những chiến công đã trở thành huyền thoại như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ đầu, Đông Quan, Đống Đa...; Là biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”; Thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách của người Thăng Long - Hà Nội, rất thanh lịch, hào hoa, yêu chuộng hòa bình song cũng rất đỗi quật cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc.

Đài Cảm tử tại Hà Nội
Đài Cảm tử tại Hà Nội

Để ghi công và tưởng niệm các chiến sĩ và những người con Hà Nội đã chiến đấu và hy sinh trong 60 ngày đêm để bảo vệ Thủ đô, cụm tượng "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã được dựng nên ở cạnh đền Bà Kiệu. Hình tượng anh vệ quốc quân và cô gái Hà thành trong trang phục truyền thống ở tư thế chiến đấu - thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí dũng cảm của quân và dân Thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Đây là khởi nguồn cho tinh thần thanh niên thời đại Hồ Chí Minh mà cho đến mãi sau này người Hà Nội còn tiếp bước.

(Còn nữa)

Cẩm Tú
Link bài gốc Copy link
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội