Tuyển tập không ngoài mục đích giúp độc giả có thể tiếp cận, thưởng thức những bài viết hay, giàu cảm xúc và tư liệu của các nhà văn, nhà báo ở miền Nam ngày xưa với tính tự sự cao, bộc bạch nhiều nỗỉ niềm sâu kín, tiết lộ những câu chuyện độc đáo lạ kỳ đã từng nghe thấy trên đường đời.
Cuốn sách "Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa" (tập II) |
"Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa" (tập II) được chia thành 2 phần: Văn xuôi và thơ. Phần Văn xuôi gồm 30 bài viết, trong đó mảng bài viết về thời chống Pháp, đời sống trong những ngày tản cư, chuyện ăn Tết của những tác giả gốc Bắc mang đến nhiều tư liệu hay, lạ và xúc động. Mảng bài "Tết trong tù" trên các báo xuân xưa thì luôn sinh động lạ kỳ, đậm tình người, tình yêu nước và ý chí vượt khó.
Trong khi đó, mảng bài về đời sống Sài Gòn, lục tỉnh xưa đầy lạc quan và trào lộng. Người đọc nhờ đó có cái nhìn cận cảnh về nét sinh hoạt, xã hội của người dân Sài Gòn thuở đó. Mảng bài "đường rừng" thì đặc sắc, huyền hoặc, đọc lại vẫn hay.
Phần Thơ gồm 27 bài thơ, là phần được bổ sung so với "Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa" tập I. Thơ Tết thường lắng đọng, trữ tình. Được sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ song một số bài đã có hơi thở hiện đại, một số thi sĩ đã thể hiện được tầm nhìn xa, vượt thời.
Các bài thơ được sáng tác trong thời chiến, nhiều bài buồn man mác nhưng hào sảng, chân thật, không làm dáng, không bi lụy. Đó là câu chuyện về người con nhớ mẹ, nhớ quê dịp Tết về mà người Sài Gòn xưa và nay đều có thể đồng cảm.
Bên dĩa mứt gừng và chén trà thơm ngày Tết, tuyển tập "Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa" (tập II) là món quà xuân nhiều cảm xúc và thấm đậm tình người mà chúng ta có thể thưởng thức qua từng trang sách. Qua các bài viết, độc giả không chỉ được đọc lại gần bốn mươi tờ báo xuân trải dài qua gần ba mươi cái Tết trên đất Sài Gòn xưa, mà còn có cơ hội nhìn lại, chiêm nghiệm về con người, xã hội Việt Nam thời trước.
Chúng ta đang ở thời bình, ký ức về mùa xuân thời chiến, mùa Tết trong chiến trận dường như chỉ được gợi qua lời ông bà, cha mẹ. Vì thế, việc có một tuyển tập bài viết chỉn chu, hấp dẫn, tư liệu tốt như "Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa" (tập II) xưa ví như một thức quà đáng trân trọng ngày Tết, nơi ta được ngược dòng thời gian khi lật giở từng trang sách, tìm về ngày hôm qua của đất nước, của cha ông.
Nhà báo Phạm Công Luận không còn là cái tên xa lạ với độc giả, đặc biệt là những ai dành tình yêu cho những tác phẩm viết về Sài Gòn, đậm chất quê hương.
Dành trọn tình cảm cho mảnh đất Sài Gòn quê hương, nhà báo Phạm Công Luận cho ra đời quyển sách "Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa" (tập II), sau rất nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn đã xuất bản. Chủ đề tương đồng nhưng không lặp lại, không nhàm chán, quyển sách tiếp tục mang lại hình ảnh một Sài Gòn quen thuộc song điểm xuyến thêm những nét nhấn của thời gian. Sài Gòn, vì lẽ đó, trở nên quen mà lạ, càng đọc càng bồi hồi.
Trong ký ức của nhiều người Sài Gòn xưa, những tờ báo xuân không đơn thuần là một món ăn tinh thần không thể thiếu mà còn là nét văn hóa riêng biệt của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Để rồi mỗi khi nhớ về Tết xưa, người ta lại bồi hồi trong không khí chộn rộn của những tờ báo xuân.
Tuyển tập "Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa" của nhà báo Phạm Công Luận là một món quà ngày Tết để mọi người ngồi lại lắng đọng, cùng nhau lật giở trang sách để lần về một trang thời đại xưa của Sài Gòn xưa, TP Hồ Chí Minh ngày nay.