Những luống hoa với sắc màu rực rỡ phủ kín cả cánh đồng làng Tây Tựu |
Tuy nhiên, trước những diễn biến bất ngờ của dịch bệnh Covid-19, người dân lại đang “lo đứng lo ngồi”, sợ lặp lại kịch bản “hoa chờ người” những ngày giáp Tết.
Nhiều ruộng hoa đã được thu hoạch |
Vốn nổi tiếng từ lâu với nghề trồng hoa, làng Tây Tựu thu hút rất nhiều du khách đến đây thăm quan, trải nghiệm. Hoa Tây Tựu cũng luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn vươn mình xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.
Người dân nô nức thu hoạch, chăm sóc cho hoa đợt cuối trước khi xuất vườn bên cạnh nhiều cánh đồng đang được gieo trồng cho vụ hoa tháng 4 năm sau.
Các đại lý hoa và chợ hoa đang nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu hoa Tây Tựu |
Ông Hoàn - chủ nhà vườn ở làng Tây Tựu cho biết: “Trước đây, hoa sau khi thu hoạch có thể bó thành từng bó rồi cho vào kho lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoa không xuất đi nước ngoài được. Bù lại, thị trường trong nước khá ổn định, giá hoa đảm bảo chứ không rớt giá như dịp Tết năm ngoái.
Chúng tôi vẫn nhớ cảnh ngày 29 Tết cắt hoa lên chất đầy bờ ruộng mà không có người mua. Để dưới ruộng thì hoa nhanh nở, cắt lên bờ thì chóng héo, ngày cận Tết mà chúng tôi như ngồi trên đống lửa”.
Hoa hồng tuy được giá cao nhưng lại là cây dễ bị sâu bệnh nhất |
Hoa làng Tây Tựu được người dân trồng, chăm sóc và thu hoạch thủ công. Sau khi được tuyển chọn, cắt lên bờ, người dân chia hoa thành từng bó, tưới nước cho tươi lâu và xuất bán mà không phải dùng hóa chất bảo quản. Hoa được giao buôn cho tiểu thương, người mua lẻ cũng khá nhiều.
Theo ông Hoàn, tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương còn phức tạp, đặc biệt là trong những ngày gần đây hàng loạt ca nhiễm mới xuất hiện ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội… đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường hoa Tết Tân Sửu.
“Ảnh hưởng cụ thể ra sao thì chưa thể nói trước mà phụ thuộc vào dịch bệnh diễn biến thế nào. Mong là cám cảnh những ngày Tết “hoa chờ người” trên bờ ruộng như năm ngoái sẽ không lặp lại”, ông Hoàn thở dài.
Tại Tây Tựu, người dân trồng hoa cúc khá nhiều vì giá cây giống rẻ, chăm sóc dễ, đầu ra lại ổn định, trồng được quanh năm mặc dù giá bán không được cao như các loại hoa khác, đôi khi phải thuê thêm nhiều nhân công thu hoạch.
Chia sẻ với phóng viên, bà Hội - trồng hoa lâu năm ở làng Tây Tựu cho biết: “Những lúc gieo trồng và thu hoạch, chúng tôi thường phải thuê thêm người làm vì trồng hoa cần tỉ mỉ, nhiều công đoạn rất mất thời gian. Chẳng hạn như đi chụp giấy báo, lưới vào nụ cây để hãm hoa nở, công việc không nặng nhọc mà làm từng nụ hoa, kiên nhẫn và cẩn thận có khi phải mấy ngày mới xong một ruộng. Càng vào vụ thì càng nhiều người muốn thuê nhân công. Giá thuê lên đến 200 - 300.000 đồng/ngày mà đôi khi tìm được người làm rất khó”.
Những năm gần đây, người dân làng Tây Tựu đã trồng thêm nhiều loại hoa phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường như: Violet, đồng tiền, thược dược... Mỗi vụ hoa thu hoạch chỉ vài ngày nhưng quá trình chăm sóc kéo dài từ 4 - 6 tháng với bao công sức và tâm huyết người dân gửi gắm.
Bà Hội tâm sự: “Trời nắng quá thì hoa nở sớm mà lạnh thì lại phải kích cho hoa nở kịp thời vụ. Chúng tôi cũng đầu tư nhà kính, lưới phủ để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết nhưng chỉ được một phần.
Chăm sóc hoa là quá trình liên tục, không rời ngày nào hoa mới đẹp. Người dân còn dựng cả lều ở ruộng để trông ngày đêm vì không trông là hoa bị mất, cắt đi bất cứ lúc nào. Bởi vậy, từ lúc trồng hoa đến lúc xuất bán thành công, chúng tôi bỏ vào đây không ít công sức”.
Người dân miệt mài gieo trồng hoa cho vụ sau. Tháng 11 âm lịch trồng thì tháng 4 sẽ được thu hoạch |
Hoa Tây Tựu nhờ vào tâm huyết và tình yêu của những người nông dân yêu nghề như bà Hội mà lớn lên, mang trong mình nét thanh tao, nhã nhặn với mùi hương thơm thảo như tấm lòng người dân nơi đây. Với động lực và giá trị vốn có ấy, hoa Tây Tựu đầy tiềm năng vươn mình đi xa, bất chấp biến đổi thời tiết hay thị trường bấp bênh mà mang không khí tươi vui, đưa Tết đến cho mọi nhà.