Đậm vị Tết qua từng món ăn
Thế hệ Z còn được gọi là các công dân toàn cầu. Họ sinh ra và lớn lên trong môi trường Internet rất phát triển, có nhiều cơ hội thể hiện bản thân, tiếp nhận những luồng kiến thức tân tiến và văn hóa phong phú. Dẫu vậy, với họ, Tết vẫn là dịp quây quần bên gia đình, thắt chặt tình thân. Quan trọng hơn, đó là dịp để sống chậm lại cảm nhận những giá trị văn hóa của cha ông.
Các bạn trẻ học gói bánh chưng |
Cao Hà Trang (sinh viên Đại học Ngoại thương, Hà Nội) sinh năm 1999. Hà Trang là một cô nàng điển hình của thế hệ Z, chia sẻ: “Vào những ngày cuối năm, mình luôn muốn hoàn thành thật sớm mọi công việc để có thể cùng gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng ông bà, tổ tiên.
Trước Tết cả tuần, nhà mình thường chuẩn bị nguyên liệu để đến ngày 29 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh. Vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín. Đây cũng là lúc cả gia đình ngồi quây quần bên nhau, ngoài trời sương lạnh nhưng không át được không khí ấm nồng quanh nồi bánh chưng”.
Bánh chưng gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến việc gói bánh chưng? Có lẽ, sự hòa quyện đó đã trở thành một biểu trưng văn hóa của dân tộc Việt - bánh chưng biểu trưng cho Tết.
Các bạn trẻ mặc áo dài truyền thống đón Tết |
Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho mai sau. Trong cuộc sống hiện đại, khi mọi thứ đều bán sẵn ngoài siêu thị hay trên các trang thương mại điện tử thì giới trẻ lại lựa chọn việc tự tay vào bếp làm những món ăn truyền thống ngày Tết chiêu đãi bạn bè và những người thân trong gia đình.
Doãn Hà My (sinh năm 2000, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: “Cuộc sống tiện lợi, những món ăn ngày Tết đôi khi cũng có thể tìm thấy ở siêu thị, các trang thương mại điện tử hay ngoài chợ vào những ngày rằm, mùng một hằng tháng. Ngược lại, không khí và hương vị Tết không những hòa quyện trong món ăn mà còn nằm rải rác ở mỗi công đoạn chế biến món ăn đó. Tất cả gom lại thành vị Tết quê hương”.
Diện áo dài, lan tỏa văn hóa Tết Việt
Phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt, trong đó có những bạn trẻ thế hệ Z. Những phong tục ngày Tết không chỉ là hoạt động văn hóa mang tính biểu trưng, mà còn là sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại, làm trỗi dậy tinh thần dân tộc trong mỗi người.
Tết là dịp tốt lành để nhắc người Việt luôn nhớ về và tôn vinh những giá trị truyền thống. “Mặc đẹp đón Tết” cũng là một trong những truyền thống mà người Việt thường thực hiện trong dịp này. Hình ảnh các bạn trẻ thướt tha trong tà áo dài, thảnh thơi dạo phố đầu năm hay đi lễ chùa dường như đã trở thành một biểu tượng báo xuân về.
Nguyễn Thị Yến Nhi (sinh viên năm nhất, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) vui vẻ thổ lộ: “Nhà mình vẫn có truyền thống cả nhà mặc áo dài thật đẹp đến chúc Tết ông bà. Con cháu quây quần vui lắm. Mọi người trong nhà, chẳng ai bảo ai nhưng đều mặc áo dài kể cả các anh và em trai. Sau khi chúc ông bà xong thì cùng nhau chụp ảnh, lưu giữ lại những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình. Những bộ áo dài đủ màu sắc, dù truyền thống hay cách tân, đều khiến cho không khí Tết rộn ràng hơn”.
Cùng quan điểm, bạn Lê Hoàng Lan Anh (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Mặc áo dài ngày Tết không chỉ tôn vinh sự tinh tế trong gu thẩm mỹ của chủ nhân mà còn là lời tuyên bố ngầm đầy tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam”.
Không chỉ riêng các bạn nữ chọn áo dài làm trang phục du xuân trong những ngày Tết. Áo dài cũng là sự lựa chọn của nhiều bạn nam trong dịp này.
Sự hào hứng tìm về Tết truyền thống của giới trẻ được xem như một tín hiệu đáng quý. Điều đó cho thấy lớp trẻ vẫn hướng về những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha. Tinh thần hướng về Tết xưa cũng là tinh thần tuổi trẻ mong muốn giữ được hồn cốt dân tộc trong dòng chảy hối hả của thời cuộc.