"Đất lành chim đậu" và câu chuyện người tài không có sàn dụng võ


TTTĐ - Nhân tài là người tài năng xuất sắc. Mỗi nhân tài chỉ xuất sắc trong một lĩnh vực. Người xuất chúng kinh bang tế thế. Người phát minh, sáng chế. Người khám phá, sáng tạo ra những nguyên lý, định lý, định luật. Người sáng tác khiến "thần sầu quỷ khốc". Rất hiếm hoi mới có người đa tài vừa viết văn hay, vừa viết nhạc giỏi, vừa vẽ tranh đẹp; càng hiếm người phát minh sáng chế trong khoa học và công nghệ, mà lại còn giỏi lãnh đạo, chỉ huy, quản lý…
Bí quyết cạnh tranh nhân tài trong thời kỳ biến động Thu hút, “giữ chân” người tài để phát triển nguồn nhân lực chất lượng Trọng dụng nhân tài, tạo động lực mới cho đất nước phát triển nhanh

Nhân tài có người đạt đến đỉnh cao gọi là thiên tài, còn phần lớn chỉ là người tài mà thôi. Các nhạc sĩ Leopold Mozart người Áo, hay Beethoven người Đức, Tchaikovsky người Nga…; những Victo Huygo người Pháp, Cervantes người tây Ban Nha, Tolstoy, Dostoevsky, Puskin người Nga đều là những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ thiên tài. Những Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Chế Lan Viên, Đặng Thái Sơn… là những người tài. Nhà triết học Aristotle, nhà khoa học Isaac Newton, Albert Einstein, Stephen Hawking, hay nhà kinh tế học Adam Smith, Milton Friedman… là những thiên tài. Các nhà khoa học như Nguyễn Văn Hiệu, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy… là những người tài. Các nhà chính trị kiệt xuất như George Washington, Abraham Lincoln và Franklin D. Roosevelt, hay Mahatma Gandhi người Ấn Độ, Hồ Chí Minh của Việt Nam… là những thiên tài.

Người tài, đặc biệt là thiên tài bao giờ cũng hiếm. Nhà văn hóa tư tưởng Nguyễn Trãi viết: "Tuấn kiệt như sao buổi sớm. Nhân tài như lá mùa thu". Tài năng bao giờ cũng hiếm hoi. Hiếm nên hiền tài mới là nguyên khí dân tộc. Cách đây hơn 500 năm, tiến sỹ triều Lê, Phụng trực đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sỹ Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí “.

Có người tài tầm cỡ quốc gia, thì lại có thiên tài tầm cỡ nhân loại. Quốc gia nào cũng có người tài, thời nào người tài cũng có. "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Nhưng hào kiệt đời nào cũng có". Chỉ có điều hào kiệt có được trọng dụng không, người tài có đất dụng võ hay không?

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Dân gian xưa có câu: "Đất lành chim đậu". Đất lành nghĩa đen là đất tốt, mầu mỡ, khí hậu hiền hòa, nước sông nước mưa điều hòa, không lam sơn chướng khí và cũng chẳng hạn hán, lũ lụt, là đất đẹp, thanh bình. Đất lành nghĩa bóng là môi trường xã hội tốt, là nơi dễ làm ăn, nhiều người tìm đến cư trú, lập nhà, lập làng, lập nghiệp, sinh sống. Nói khái quát đất lành là môi trường sống tốt, tương lai phát triển. Người tài muốn thể hiện hết đức tài, tận hiến cho cộng đồng, dân tộc thì phải có đất lành - môi trường sống và làm việc tốt.

Đất lành thời hiện đại, cách mạng khoa học và công nghệ 4.0 không phải là đất lành của một làng, một xã cho ai đó đến lập nghiệp sinh sống, mà chính là môi trường sống, làm việc và thăng tiến của người tài. Cái môi trường ấy, nói rộng ra là… thể chế. Thể chế phát huy tối đa quyền tự do sáng tạo của người tài trong lĩnh vực họ đang thực thi nhiệm vụ. Cái môi trường ấy, nói một cách gần gũi là mối quan hệ giữa người với người, là cấp trên với cấp dưới, là đồng nghiệp, đồng cấp… chân thành, an lành, dễ chịu. Ở đó, không có thị phi, không đố kỵ, ghen ghét, tranh đoạt, thủ đoạn, lừa nhau đưa nhau vào bẫy, vào tròng.

Môi trường tốt là môi trường bao bọc các cá thể càng có điều kiện phát triển. Một cây non, hay đấu hạt giống phải có đất màu mỡ phù hợp để gieo trồng. Cây non, hạt giống tốt mà gieo trồng ở nơi khỉ ho cò gáy, đất cằn sỏi đá thì sao nẩy mầm, tươi tốt! Một môi trường sống và làm việc mà con người với con người như bầy đàn cá lớn nuốt cá bé, thì người tài bị tiêu diệt từ trong trứng nước. Môi trường sống, làm việc tốt, cũng có nghĩa là người tài được đặt đúng vị trí và phát triển.

Người xưa nói: "Dụng nhân như dụng mộc". Cây gỗ nào đáng làm cột cái thì làm cột cái, cái nào đáng làm cột hiên thì làm cột hiên, cái nào làm dui mè, thì làm dui mè. Sử dụng gỗ sai chủng loại, đặt không đúng vị trí thì sẽ ở tình trạng gỗ tốt đặt ở chỗ không cần gánh lực, gỗ xấu lại cắm nơi ngàn cân đè xuống, không gẫy thì cũng chả mấy chốc mà mục nát. Người tài có môi trường tốt thì cũng giống như anh hùng có đất dụng võ, được rèn luyện truing thành, được thi thố tài năng,

Tôi xin không bàn sâu về người tài trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, nghệ thuật, mà lưu tâm, nhấn mạnh, luận sâu về người tài lãnh đạo, chỉ huy, công vụ. Nhân tài công vụ thì liên quan đến điều hành, quản trị đất nước. Đánh giá nhân tài công vụ phải xem các đóng góp của họ với cộng đồng, và kết quả công việc cho bộ máy công quyền.

Người tài mỗi thời một phẩm chất, mỗi quốc gia một tiêu chí. Người xưa nói: "Thức thời mới là tuấn kiệt", hoặc "Quân tử mười năm trả thù cũng không muộn", ấy là nói đến người tài thực sự, và chí lớn, hiểu biết thời thế. Người tài, trước hết phải ý thức được bản thân phải tồn tại, phải sống đã thì mới thực hiện được ý tưởng, tư tưởng của mình. Nghĩ lớn, muốn làm lớn, nhưng không bảo toàn mạng sống thì tư tưởng lớn cũng bị thiu, ý tưởng lớn cũng sẽ theo cái xác xuống mồ, vô tăm tích, người đời không biết được. Cho nên, Hàn Tín người ở Hoài Âm nước Sở, mồ côi cha mẹ, nghèo khổ, lập thân từ nghề câu cá nghèo hèn. "Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ. Thấy Hàn Tín "tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm", có gã hàng thịt ở chợ thách đâm, nếu không dám đâm thì phải chui qua háng của gã. Hàn Tín chọn chui qua háng, mọi người thấy vậy đều chê cười". Chê cười vì cho rằng Hàn là kẻ yếu ớt, hèn nhát. Thử hỏi: Nếu Hàn Tín đâm chết gã đồ tể chỉ vì sĩ diện, sẽ bị án tù, ngồi trong ngục đá, thì có còn cơ hội được Trương Lương viết thư, Tiêu Hà tiến cử lên Hán Vương, để làm đại tướng?

Ngày nay, tiêu chí chọn người tài để lãnh đạo cần có các phẩm chất: Chọn đúng đường đi của dân tộc, và định hướng mô hình thể chế chính trị, xã hội. Đánh giá chính xác thực trạng chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của đất nước trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Có năng lực đoàn kết toàn dân, hòa hợp dân tộc, khả năng khôn ngoan, khéo léo dẫn dắt cộng đồng, đất nước vượt qua những chia rẽ bất lợi. Biết thu phục nhân tâm, có khả năng liên tài, trọng dụng người tài, sử dụng người tài đúng nơi, đúng lúc. Có văn hóa nền cao, có trình độ chuyên nghiệp, khả năng tư duy khái quát, phân tích. Bản năng sáng tạo mạnh mẽ, đột sáng. Có sức thuyết phục bằng ngôn từ, giao tiếp, thể hiện phong cách lãnh đạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, dù có năng lực tài giỏi ở đẳng cấp cao, tầm nhìn cao, thì cũng phải là người có tâm. Đại thi hào Nguyễn Du viết: " Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần/… Chữ tâm mới bằng ba chữ tài". Cụ Hồ cũng nói: "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Có tài mà không có đức là người vô dụng". Người tài không có đức khi phá thì phá tan hoang. Mohammed Bin Rashid Al Maktoum đã nói rằng: “Người lãnh đạo tốt là người biết đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia lên lợi ích bản thân và bất kỳ lợi ích nhóm nào khác”.

Người xưa cầu người tài bằng "chiêu hiền đãi sĩ", ngày nay cũng có chính sách tuyển dụng nhân tài. Tuy nhiên, bằng cấp cao chưa hẳn đã là người tài, mà chỉ là trình độ chuyên môn ở một lĩnh vực đào tạo. Nếu thiên về bằng cấp, rất dễ bỏ sót tài năng, và lại lấy thừa người sách vở làm thư lại.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đang đến gần. Phương án nhân sự tính đến các "trường hợp đặc biệt" là một sáng suốt. Nệ tuổi, quy định tuổi có cái lợi là trẻ hóa cán bộ, người tài trẻ có đất dụng võ hơn, nhưng có thể bỏ phí các trường hợp người tài cao tuổi có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh vững vàng. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đua tranh quyết liệt giữa ông già 78 tuổi với ông già 74 tuổi là một minh chứng sinh động về việc không nệ tuổi. Tuổi cao mà còn sức khỏe, minh mẫn, làm việc tốt, được tín nhiệm thì vẫn được lựa chọn để lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo địa phương. Dù ở lứa tuổi nào, người có tâm, tầm, tài sẽ liên tài. Khi có đất dụng võ, họ sẽ tìm ê kíp người có tâm, tầm, tài cùng làm việc.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Link bài gốc Copy link
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội