Có doanh nghiệp nợ BHXH 13 năm 6 tháng
Đến cuối tháng 2.2024 vừa qua, sau gần một năm nghỉ việc và rất nhiều lần liên hệ với công ty, anh Trương Huy Dội, nguyên là nhân viên của Công ty Thương mại Dịch vụ Vận tải Xuất nhập khẩu Thiên Thành (TP Thủ Đức, TPHCM) chi nhánh Long Thành, tỉnh Đồng Nai mới được công ty chốt, trả sổ BHXH.
Anh Dội cho biết, trước đó, công ty này đã nợ BHXH gần 2,5 tỉ đồng của hàng chục NLĐ và họ đã phải chờ đợi trong thời gian dài mới được công ty chốt, trả sổ BHXH. Do không được chốt trả sổ BHXH kịp thời, nên không ai trong số hàng chục NLĐ đó được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong lúc khó khăn do phải nghỉ việc.
Theo thống kê của BHXH TPHCM, đến cuối tháng 1.2024, thành phố có trên 15.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp nợ BHXH hơn 10 tỉ đồng. Ví dụ như Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn (Quận 12), hiện nợ trên 12 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt nợ gần 11,8 tỉ đồng; Công ty TNHH May mặc sản xuất Quang Thái (Quận Bình Tân) nợ gần 12,4 tỉ đồng; Công ty TNHH Gain Việt Nam (Quận Bình Tân nợ gần 11 tỉ đồng). Tại TP Thủ Đức, Công ty TNHH TM QT Dệt may Việt Nam nợ hơn 11 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương nợ hơn 10 tỉ đồng...
Còn tại TP Hà Nội, thống kê của BHXH TP Hà Nội cho thấy, có hơn 60.750 doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Trong số này, doanh nghiệp có số nợ lớn nhất là Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX nợ hơn 57 tỉ đồng; Công ty Cổ phần LILAMA 3 nợ hơn 44,5 tỉ đồng; Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu VIT Garment nợ gần 39 tỉ đồng... Đáng nói là có nhiều công ty rất nhiều năm qua nợ BHXH như: Công ty Cổ phần 116 - CIENCO 1 nợ 155 tháng (gần 13 năm); Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông và Thương mại 124 nợ 164 tháng (13 năm 6 tháng)…
Chưa xử lý hình sự được tội trốn đóng BHXH
Theo quy định hiện hành thì hành vi chậm đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Thế nhưng việc doanh nghiệp chậm đóng BHXH hiện xảy ra tràn làn gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hàng triệu NLĐ.
Luật sư Trần Phi Đại, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, theo quy định tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì doanh nghiệp chậm đóng quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả như buộc NSDLĐ đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng và nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư của Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.
Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của NSDLĐ để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các Ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH. Tuy nhiên, thực tế, khi BHXH TPHCM liên hệ với các ngân hàng để thực hiện việc này thì thường là tài khoản của doanh nghiệp sẽ không còn tiền hoặc rất ít tiền, không đủ để thực hiện mức cưỡng chế.
Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định về tội trốn đóng BHXH, theo đó tùy mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến cao nhất là 7 năm. Còn pháp nhân thương mại phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng.
BHXH TPHCM cũng từng chuyển cơ quan Công an TPHCM hồ sơ hàng chục doanh nghiệp nợ BHXH để xem xét xử lý hình sự, sau đó, một số doanh nghiệp có khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đến nay, cả nước chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý hình sự về tội trốn đóng BHXH. Lý do, để xử lý hình sự thì doanh nghiệp từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH.