Doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đã từng chia sẻ, nếu coi cuộc đời như một cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" thì giai đoạn 25 tuổi sẽ giống như bước "Khởi động", 30 tuổi là giai đoạn "Vượt chướng ngại vật", là giai đoạn vất vả tích luỹ kinh nghiệm, đến năm 40 tuổi thì "Tăng tốc", 50 tuổi "Về đích" và 60 tuổi sẽ là giai đoạn "Chuyển giao". Như vậy 40-50 tuổi sẽ là độ tuổi thành công nhất của con người.
Nhưng định nghĩa như thế nào được gọi là thành công?
Tôi đã đọc trong một cuốn sách, đại ý rằng "thành công là sống theo cách bản thân mong muốn". Có những người lựa chọn cuộc sống yên ổn đã thấy hạnh phúc và mãn nguyện nhưng một bộ phận khác chọn con đường dấn thân, và họ lấy những dấu mốc phấn đấu của cuộc đời để cảm thấy vui vẻ hạnh phúc với thành quả họ đạt được.
Năm nay, đại dịch Covid-19 gần như đã khiến rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân "xoá bài làm lại". Những ngành trước đây kiếm tiền bạc tỷ như kinh doanh nhà hàng khách sạn, du lịch, hàng không…trải qua 2 năm chống chịu với Covid thì gần như kiệt quệ. Trên diễn đàn các phụ huynh trường học của con tôi, đã bắt đầu có một vài ý kiến về việc trường học nên giảm phí, hoặc cho phép phụ huynh đóng tiền theo tháng thay vì đóng một cục theo năm, vì hiện tại hầu hết đều khó khăn.
Nhưng ở một lát cắt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam cực kì sôi động trong 2 năm trở lại đây. Lúc người viết đang viết những dòng này, chỉ số Vn-Index đang ở mức đỉnh lịch sử 1.440 điểm, tăng 30,45% so với đầu năm và tăng 117% (hơn gấp đôi) so với đáy thiết lập vào ngày 30/03/2020. Thanh khoản của thị trường từ mức 5.000-8.000 tỷ/phiên của năm 2020 đã tăng vọt lên trên 20.000 tỷ/phiên của năm 2021 (chưa tính giao dịch thoả thuận), cá biệt có những phiên khớp lệnh trên 29.000 tỷ đồng (cuối tháng 6/2021).
Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường khiến người người nhà nhà đổ xô đầu tư chứng khoán. Thống kê số tài khoản mở mới trong 9 tháng đầu năm của nhà đầu tư trong nước lên tới 957.215 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018; 2019 và 2020 cộng lại (837.345 tài khoản). Nâng tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 9 đạt hơn hơn 3,69 triệu đơn vị, tương đương 3,8% dân số cả nước.
Những ngày này, dù bạn ngồi ở quán trà đá vỉa hè, hay nhà hàng, quán cafe, đâu cũng nghe câu chuyện chứng khoán và làm giàu. Covid-19 xảy đến đã khiến mọi người quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tài chính cá nhân và những khoản tích trữ cho những trường hợp khẩn cấp. Tự do tài chính là một nấc thang mà ai cũng hướng đến, để không quá phụ thuộc vào đồng lương hàng tháng. Nhưng để đạt được tự do tài chính, đòi hỏi không chỉ kiến thức, nguồn vốn, mà đôi khi còn là vận may và các mối quan hệ mà mình có thể tận dụng được trên con đường tìm kiếm các cơ hội làm giàu.
Bắt đầu từ tuần này, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc chuyên đề: "Tôi đã kiếm 1 triệu USD đầu tiên như thế nào?" với các câu chuyện được chắt lọc từ thế hệ trẻ, những người ở thế hệ 7x, 8x thậm chí 9x ở các ngành nghề khác nhau đã chắt chiu được cơ hội để có thể đạt được thành công. Có những người thất bại và phải làm lại từ đầu, có những người vẫn đang trên đường để chạm đến những dấu mốc của cuộc đời.
Thông qua các câu chuyện này, chúng tôi muốn truyền cảm hứng đến các nhà đầu tư, thế hệ trẻ, chỉ cần có quyết tâm và bắt đầu thực hiện từ sớm, thành công sẽ đến vào thời điểm chín muồi.
Số đầu tiên, chúng tôi xin gửi đến tâm sự của một tổng giám đốc CTCK trẻ nhất Việt Nam, người đã vay sổ tiết kiệm của mẹ đầu tư nhưng thua lỗ, từ chối cơ hội học thạc sỹ tại Mỹ, chọn con đường lập nghiệp với ngành chứng khoán tại Việt Nam. Hiện công ty đã đạt quy mô 1.000 tỷ vốn điều lệ.
Một cây lớn bắt đầu từ một hạt giống, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước nhỏ. Nhưng việc đầu tiên là phải đi gieo hạt và bước đi. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Bài tiếp: CEO chứng khoán nghìn tỷ trẻ nhất Việt Nam: Mượn sổ tiết kiệm của mẹ đầu tư chứng khoán thua lỗ đến hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên