Tính đến hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp thép trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021. Ghi nhận, so với cùng kỳ lợi nhuận ngành tiếp tục bứt phá trong quý 3, song có phần hạ nhiệt so với quý trước đó trước áp lực chi phí gia tăng trong đại dịch Covid-19.
Đầu tiên phải kể đến "anh cả" Hoà Phát (HPG), quý 3/2021, Tập đoàn đạt 38.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 56% và lợi nhuận sau thuế lần đầu tiên trong lịch sử đạt 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với quý 3/2020.
Được biết, HPG đã triển khai đầu tư hệ thống nhà máy với mục tiêu đón đầu làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc, sớm trở thành thương hiệu điện lạnh, hàng gia dụng số 1 Việt Nam và hướng ra xuất khẩu.
Lũy kế 9 tháng, HPG ghi nhận doanh thu hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng vượt 45% kế hoạch năm.
Không kém cạnh, Thép Nam Kim (NKG) cũng khép lại quý 3 với mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận: quý 3 năm nay NKG đạt 607 tỷ đồng, gấp 7,3 lần cùng kỳ 2020, luỹ kế 9 tháng đạt 1.773 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu đã trở thành cứu cánh cho Nam Kim khi doanh thu xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên tới 12.749 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm trước và gấp đôi doanh thu nội địa.
Chia sẻ với chúng tôi về tình hình kinh doanh từ đầu năm nay, Chủ tịch Hồ Minh Quang cho biết NKG trong những năm qua, thị trường nội địa luôn chiếm khoảng 50% trong tổng sản lượng bán hàng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu trong nước chưa thể phục hồi, do đó quý 3 tỷ trọng Công ty hướng về xuất khẩu nhiều hơn.
Hiện, NKG đang xúc tiến dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 1 để nâng công suất lên 1,6 triệu tấn vào năm 2023. Dự án này NKG chú trọng đầu tư công nghệ để hướng đến thị trường cao cấp hơn, cụ thể là châu Âu và Mỹ.
Cùng hưởng lợi mạnh từ thị trường xuất khẩu, Hoa Sen Group (HSG) cũng công vố ước kết quả kinh doanh hợp nhất NĐTC 2020-2021 (từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021) với sản lượng tiêu thụ 2.253.733 tấn, vượt 25% kế hoạch. Tương ứng, doanh thu ước đạt 48.727 tỷ đồng, tăng 77% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 4.313 tỷ đồng, tăng đến 274% so với cùng kỳ.
Theo HSG, việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu ở tất cả các thịtrường đã đóng góp lớn vào sản lượng và lợi nhuận của HSG trong NĐTC 2020-2021.
Tăng trưởng phi mã còn có Thép Tiến Lên (TLH), Công ty kết thúc quý 3/2021 với doanh thu 909 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ; tương ứng lãi ròng 101 tỷ, tăng đến 742% so với quý 3/2020.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Công ty tăng 15% lên 3.284 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận ròng đột biến, từ mức chỉ hơn trăm triệu tăng lên đến 408 tỷ đồng. So với kế hoạch 250 tỷ đồng LNST, 9 tháng TLH đã vượt xa chỉ tiêu cả năm.
Thị trường tăng nóng cũng đem về tăng trưởng mạnh cho một số đơn vị niêm yết khác như SMC (lợi nhuận 9 tháng tăng mạnh 454% so với cùng kỳ), Gang thép Cao Bằng tăng đến 1.660% so với 9 tháng đầu năm 2020…
Dù vậy, so với đỉnh cao thiết lập từ quý 2/2021, các doanh nghiệp thép đang cho thấy sự giảm tốc đáng kể. Nguyên nhân một phần do thị trường trong nước gặp thách thức bởi đại dịch bùng phát nghiêm trọng làm tiến độ thi công chậm lại, nhu cầu về vật liệu xây dựng giảm. Cùng với đó, chi phí nguyên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty.
Chưa kể, duy trì hoạt động trong bối cảnh giãn cách liên tiếp nhiều tháng cũng gây áp lực tăng mạnh chi phí của hầu hết các doanh nghiệp nói chung, và ngành thép nói riêng. Đơn cử, chi phí bán hàng và quản lý tại Hoà Phát trong quý 3 tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lần lượt ghi nhận 583 tỷ đồng và 236 tỷ đồng. Con số luỹ kế 9 tháng, chi phí bán hàng của Tập đoàn vượt 1.400 tỷ đồng, chi phí quản lý cũng xấp xỉ mốc ngàn tỷ với hơn 815 tỷ đồng.
Tương tự, chi phí bán hàng của Thép Nam Kim trong quý 3/2021 tăng đến 522% so với cùng kỳ, từ mức chỉ 75 tỷ lên 465 tỷ đồng. Chi phí quản lý Công ty cũng tăng mạnh hơn 58% so với quý 3/2020.
Nhìn chung, bức tranh ngành thép bắt đầu khởi sáng từ năm 2020 và đặc biệt bứt phá từ năm 2021. Dù giảm tốc trong bối cảnh nhiều rủi ro hiện nay, với các đơn hàng đã được chốt trước (chủ yếu xuất khẩu khi nhu cầu các nước châu Âu, Mỹ… tăng mạnh hậu đại dịch), người trong cuộc nhìn nhận chỉ số sẽ duy trì ở mức khả quan đến cuối năm (so với cùng kỳ). Thực tế cũng cho thấy, nhiều công ty như Nam Kim, TLH… đã và đang tích trữ lượng lớn hàng tồn, nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất thời gian tới.