Phục hồi sản xuất công nghiệp theo các nhóm ‘nguy cơ’


Nhiều địa phương đã phân loại doanh nghiệp theo 3 nhóm nguy cơ là: ít nguy cơ, nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình, để ứng phó, thích nghi, nối lại chuỗi sản xuất.

Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 đã trong tầm kiểm soát nhưng vẫn chưa hết nguy cơ, các địa phương đã triển khai nhiều kịch bản để ứng phó, thích nghi, nối lại chuỗi sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hoá cho người dân.

Ngoài phương án sản xuất tại 3 tại chỗ, doanh nghiệp đã triển khai phương án cho người lao động đi về hàng ngày với điều kiện đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

Các địa phương cũng đã phân loại nhóm doanh nghiệp theo các hướng ít nguy cơ, nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình.

Tại tỉnh Đồng Nai, theo đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19, trên địa bàn tỉnh có 3.328 doanh nghiệp thuộc nhóm ít nguy cơ, 695 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ thấp và 49 doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ trung bình.

Tỉnh cũng đã chia ra 2 đối tượng doanh nghiệp gồm trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp.

Theo thống kê, tại các khu công nghiệp, có 429 doanh nghiệp thực hiện cùng lúc phương án “3 tại chỗ” và đi về hàng ngày với tổng số lao động là 108.302 người. Trong đó đang lưu trú là 40.851 người và đi về hàng ngày là 67.451 người.

Cùng với đó, 1.146 doanh nghiệp thực hiện phương án đi về hàng ngày, không áp dụng phương án 3 tại chỗ, với với tổng số lao động đi về hàng ngày là 376.682 người. Lũy kế đến sáng ngày 28/10, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp đạt tỷ lệ 92% với tổng số lao động đang làm việc đạt tỷ lệ 81%.

Tỉnh cũng đang ghi nhận số dự án vẫn đang tạm ngưng hoạt động là 138 dự án và số lao động vẫn chưa quay trở lại làm việc là 118.308 người.

Tại tỉnh Long An, theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, hiện có khoảng 6.500/13.483 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (chiếm khoảng 48,2% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh). Tuy nhiên, trên thực tế sau khi UBND tỉnh ban hành KH 3222/KH-UBND thì đa số các doanh nghiệp (khoảng 80%) trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại nhưng chưa kịp thời gửi phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh về cơ quan quản lý.

Trong đó, có 2.473 doanh nghiệp sản xuất trở lại hoạt động với 210.714 lao động (bao gồm số doanh nghiệp đăng ký hoạt động 3 tại chỗ trước đây, doanh nghiệp được thẩm định phương án phục hồi sản xuất theo Kế hoạch 2962/KH-UBND và số doanh nghiệp có đăng ký phương án phục hồi sản xuất mới theo KH 3222/KH-UBND).

Ngoài ra, có khoảng 4.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu với khoảng 57.800 lao động, sau khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh thì hầu hết các doanh nghiệp này cũng đã hoạt động trở lại.

Tại các khu công nghiệp Bình Dương, tính đến ngày 28/10, đã có 1.968 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt trên 96%.

Số lượng lao động trở lại làm việc trong các công ty là gần 373.000 người, đạt 76,38%. Trong đó, mô hình “3 xanh” có gần 285.000 lao động, mô hình “3 tại chỗ” có 44.211 lao động và mô hình “3 tại chỗ linh hoạt” có 43.192 người lao động.

Sau khoảng 1 tháng phục hồi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, nhằm đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn. Hầu hết, người lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 và đang tiến hành tiêm phủ mũi 2.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội