Trong phần thông tin chia sẻ trên trang AP, Toni Benson, quản lý của Tyler, cho biết: "Thế giới biết đến anh ấy với cái tên Gunther (Người bạn' thứ bảy), từ loạt phim ăn khách Friends (Những người bạn), nhưng những người thân yêu của Michael lại biết đến anh ấy như một diễn viên, nhạc sĩ, người ủng hộ bệnh ung thư và người chồng yêu thương vợ.
Nam diễn viên James Michael Tyler tham dự Central Perk Pop-Up Kỷ niệm 20 năm thành lập "Friends" vào ngày 16 tháng 9 năm 2014 tại Thành phố New York. Ảnh: Paul Zimmerman/Getty Images
Tyler được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối vào năm 2018, căn bệnh này sau đó đã di căn vào xương. Sau khi được chẩn đoán ung thư, Tyler đã trở thành một nhà vận động nâng cao nhận thức về bệnh ung thư. Tyler cũng xuất hiện trong một số bộ phim và chương trình truyền hình khác, bao gồm "Sabrina the Teenage Witch", "Just Shoot Me!" và "Scrubs".
Nói về bệnh ung thư tuyến tiền liệt, hẳn chúng ta sẽ nhớ tới diễn viên La Gia Anh, một sao hài gạo cội của Hong Kong. Tháng 7 năm 2019, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa phát biểu của ông cho biết mình đã xuất viện được 20 ngày sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt. Lúc đó ông 72 tuổi.
"Nếu cần, bạn nên làm phẫu thuật khi còn trẻ vì thực hiện phẫu thuật càng sớm sẽ càng tốt. Nếu không, ở tuổi như tôi, bạn sẽ rất bất an vì cơ thể có thể không chịu nổi", nghệ sĩ gạo cội nói về tình trạng sức khỏe của mình.
Diễn viên La Gia Anh trả lời truyền thông Trung Quốc về tình trạng sức khỏe.
Ung thư tuyến tiền liệt - bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi
Ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) là một bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi, gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, ung thư tiền liệt tuyến đứng thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến với số lượng 1.276.106 ca mắc mới và tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 8 trong các loại bệnh ung thư với 358.242 ca tử vong. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến chỉ đứng hàng thứ 11 với 3.959 ca mới mắc và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13 với 1.873 ca tử vong năm 2018.
Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có một nghiên cứu thống kê đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh này. Trong một số nghiên cứu đơn lẻ người ta thấy tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt tình cờ phát hiện được qua xét nghiệm giải phẫu bệnh lý sau mổ mở u phì đại lành tính tuyến tiền liệt (UPĐLTTTL) là 7,2%.
Ung thư tuyến tiền liệt được coi là căn bệnh của người cao tuổi, tần suất mắc bệnh tăng tỷ lệ so với lứa tuổi. Phần lớn các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sau 50 tuổi, tuổi trung bình được chẩn đoán là 72 tuổi.
Ai dễ bị ung thư tuyến tiền liệt?
Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt hiện chưa được làm rõ nhưng theo một số nghiên cứu, ung thư tuyến tiền liệt bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn và gene của người bệnh. Những người ăn nhiều chất béo sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt là dạng ung thư khá nguy hiểm. Tuy là một bệnh có sự phát triển chậm, đa số người mắc ung thư tuyến tiền liệt ở mức nhẹ có thể sống nhiều năm nếu được phát hiện kịp thời. Song nếu bệnh ở mức nặng sẽ lan ra rất nhanh chóng và có thể gây tử vong.
Ung thư tuyến tiền liệt có thể chữa khỏi hay không?
Ung thư tuyến tiền liệt tuy là căn bệnh phổ biến nhưng có thể ngăn chặn được thông qua việc khám và điều trị sớm.
Bác sĩ Gerald Tan, chuyên gia tiết niệu tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, cho biết: "Ung thư tuyến tiền liệt hiện giờ phổ biến nhất trong tất cả các loại ung thư ở nam giới tại Mỹ, Châu Âu và Úc. Thói quen ăn uống không phải yếu tố duy nhất dẫn tới ung thư tuyến tiền liệt. Một yếu tố quan trọng khác đó là tiền sử mắc ung thư tuyến tiền liệt trong gia đình". Theo báo cáo của Viện Ung thư Quốc gia (NCI) của Hoa Kỳ, 5 - 10% số ca ung thư tuyến tiền liệt là do di truyền.
Ông cũng nhấn mạnh rằng đây là một căn bệnh có thể chữa khỏi. Với việc theo dõi tích cực, nhiều bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt ít rủi ro có thể sống một cuộc sống bình thường trong nhiều năm trước khi tiến hành điều trị bệnh.
Những triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến
Giai đoạn sớm của ung thư tuyên tiền liệt thường không có những biểu hiện cụ thể với sức khỏe người bệnh tuy nhiên hầu hết các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm nếu được thực hiện các xét nghiệm sàng lọc.
Tuy nhiên ở giai đoạn tiến triển, những biểu hiện của bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt thường có những đặc trưng như sau:
- Khó khăn trong việc đi tiểu bao gồm tiểu chậm, yếu và phải đi tiểu thường xuyên đặc biệt là nhiều lần vào ban đêm.
- Có lẫn máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch.
- Rối loạn cương dương.
- Đau ở hông, lưng, ngực hoặc đau ở các vùng khác nhưng lan tỏa tới xương.
- Yếu, tê bì ở bàn chân, mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện do khối u di căn xương chèn ép tủy sống.
Làm sao để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt?
Khám sàng lọc ung thư là phương pháp kiểm tra nhằm phát hiện bệnh trước khi bệnh nhân có những biểu hiện bệnh lý, khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc chữa trị thường đơn giản hơn rất nhiều so với bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn muộn.
Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm bằng xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen (PSA)).
Một phương pháp khác để xác định ung thư tiền liệt tuyến là khám trực tràng (digital rectal exam (DRE)). Do tuyến tiền liệt nằm trên trực tràng nên bằng cách khám trực tràng bác sỹ có thể xác định tiền liệt tuyến có lớn bất thường hay không một cách tương đối chính xác.