Mỹ đề xuất luật thuế mới, Elon Musk và nhiều tỷ phú hết cửa đóng thuế 0 đồng?


Kế hoạch đánh thuế các tỷ phú mà Thượng nghị sĩ Ron Wyden đề xuất buộc các tỷ phú phải đóng thuế cho nguồn thu nhập lớn nhất của họ: cổ phiếu.

Mới đây, tỷ phú Elon Musk đã lên tiếng phê phán kế hoạch đánh thuế các tỷ phú mà đảng Dân chủ vừa mới đưa ra. Ông đăng lên Twitter rằng: "Cuối cùng thì họ đã tiêu hết tiền của những người khác và họ sẽ tìm đến bạn".

Nhưng "người khác" và "bạn" ở đây là ai? Đối với phần lớn người Mỹ, từ lâu nay thuế thu nhập cá nhân đã trở thành điều quen thuộc, trở thành nguồn thu đóng góp tới gần một nửa tổng thu ngân sách của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, những người giàu nhất vẫn bị chỉ trích là đang đóng mức thuế suất quá thấp vì họ tích lũy tài sản từ nhiều nguồn khác chứ không phải chỉ từ tiền lương hàng năm. Lập luận của Musk làm dấy lên nỗi sợ không hợp lý rằng trong thời gian tới các nhà làm luật sẽ "tấn công" tất cả mọi người, trong khi trên thực tế mục tiêu của chính sách thuế mà đảng Dân chủ đề xuất là khép lại những lỗ hổng thuế đã bị giới nhà giàu lợi dụng để né thuế trong suốt mấy chục năm qua.

Nước Mỹ đã áp dụng một hệ thống thuế khá tiến bộ từ năm 1862. Kể từ đó đến nay, khung thuế nói chung và mức thuế suất áp dụng với nhóm có thu nhập cao nhất nói riêng cũng đã được điều chỉnh nhiều lần. Tuy nhiên, mức thuế ngày càng tỏ ra kém hiệu quả do liên tục xuất hiện những lỗ hổng thuế.

Kế hoạch đánh thuế các tỷ phú mà Thượng nghị sĩ Ron Wyden đề xuất không mở ra 1 thời kỳ đánh thuế nghiêm ngặt, mà chỉ đơn giản là buộc các tỷ phú phải đóng thuế cho nguồn thu nhập lớn nhất của họ: cổ phiếu.

Trước đó Musk cũng từng phàn nàn đề xuất thuế mới khiến những công dân Mỹ giàu có nhất – "những người có khả năng phân bổ nguồn vốn xuất sắc nhất" – bị lấy đi của cải một cách không công bằng.

Tuy nhiên, thực tế thì lâu nay ở Mỹ vẫn tồn tại một điều công bằng: tỷ lệ đóng thuế của những người giàu nhất thấp hơn nhiều so với những người có thu nhập thấp hơn họ nhiều lần. Rất nhiều tỷ phú bảo vệ tài sản bằng cách nhận mức lương rất thấp và để phần lớn tài sản trong cổ phiếu. Cổ phiếu chỉ bị đánh thuế khi họ bán chúng ra và chốt lời, nhưng trên thực tế các tỷ phú thường không bao giờ bán ra và chỉ chuyển nhượng sau khi họ qua đời.

Kết quả là phần lớn tài sản của họ không bị đánh thuế trong khi họ vẫn tận dụng được số tài sản khổng lồ của mình để nhận những khoản vay siêu rẻ từ những ngân hàng mà họ gửi tiền.

Ví dụ, hôm 25/10 vừa qua, tài sản của Musk đã tăng thêm 37 tỷ USD chỉ sau 1 đêm nhờ cổ phiếu Tesla tăng giá gần 13% trong phiên hôm đó. Theo luật thuế hiện hành thì Musk không phải đóng thuế cho số tiền này. Tuy nhiên, theo đề xuất thuế mới, những khoản phát sinh như vậy sẽ phải chịu mức thuế 23,8%.

Theo tính toán của Gabriel Zucman, chuyên gia kinh tế đang công tác tại ĐH California Berkeley, nếu áp dụng luật mới thì Musk sẽ phải đóng tới 50 tỷ USD tiền thuế.

Điều này đánh dấu 1 thay đổi rất lớn đối với mức thuế mà các tỷ phú đã đóng trong nhiều năm qua. Hồi tháng 6, tài liệu được ProPublica công bố (dựa trên phân tích các dữ liệu từ Sở thuế vụ Mỹ IRS) cho thấy nhiều tỷ phú giàu nhất nước Mỹ (trong đó có Musk) gần như không đóng thuế thu nhập cá nhân. Từ năm 2014 đến 2018, Musk chỉ đóng 455 triệu USD, tương đương 3,27% tổng tài sản.

Dẫu vậy Musk vẫn sẽ là người giàu nhất thế giới, bởi sau khi trừ khoản thuế nói trên thì tài sản của ông vẫn là gần 250 tỷ USD theo số liệu mới nhất, bỏ xa người đứng thứ 2 là Jeff Bezos (sở hữu gần 150 tỷ USD).

Theo Business Insider

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội