Giấc ngủ chiếm tới 1/3 thời gian trong suốt cuộc đời của con người. Ngoài thời gian ngủ, tư thế nằm cũng đóng một vai trò quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nói chung. Do đó, để bảo vệ sức khoẻ chúng ta cần điều chỉnh tư thế ngủ tốt nhất và phù hợp với thể trạng cá nhân.
Vậy cách nằm ngủ nào là tốt nhất? Điều này phụ thuộc vào từng tình trạng bệnh lý của mỗi người.
1. Hai kiểu người nên nằm nghiêng sang bên phải
Những người bị bệnh tim
Những người mắc bệnh tim phải đặc biệt quan tâm đến tư thế ngủ, bởi nếu nằm không đúng tư thế có thể làm gia tăng áp lực cho hệ thống tim mạch. Điều này vô tình làm tăng nặng bệnh và các triệu chứng khó chịu khác.
Tim con người nằm ở phía bên trái, nên khi ngủ bệnh nhân nên nghiêng về bên phải để giảm gánh nặng cho cơ quan này. Đồng thời, người có vấn đề về tim cần để thân trên cao hơn so với thân dưới nhằm làm giảm bớt lượng máu trở về tim, nhờ đó làm giảm gánh nặng cho tim và giúp bạn dễ thở hơn.
Người bị viêm dạ dày và tiêu hóa kém
Zhi Jiehua, phó trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô cho biết, dạ dày của chúng ta nằm trên cùng bên trái của bụng. Đối với một số người bị viêm dạ dày và chức năng tiêu hóa kém, tư thế nằm nghiêng bên phải sẽ giúp giảm bớt áp lực trong quá trình hấp thụ và tiêu hóa thức ăn trong dạ dày.
2. Ba kiểu người nên ngủ nghiêng về bên trái
Người bị trào ngược, ợ chua
Hình minh họa (Ảnh: Internet)
Với những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày kèm theo chứng ợ chua thì việc nằm nghiêng bên trái sẽ giúp cải thiện chứng bệnh này.
Liu Fan, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh cho biết, việc sử dụng các phương pháp như nâng cao tư thế đầu và sử dụng miếng lót giường có thể đẩy nhanh quá trình đào thải axit và giảm thời gian tiếp xúc axit trong thực quản từ 9% đến 52%. Đồng thời, nằm nghiêng về bên trái có thể làm giảm sự xuất hiện của các hiện tượng trào ngược từ 13% đến 76%.
Những người mang thai ở giai đoạn cuối thai kỳ
Phụ nữ mang thai trong cuối thai kỳ (khoảng 7-8 tháng) được bác sĩ khuyên nên nằm nghiêng về bên trái. Bác sĩ Wu Qiong, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Shougang cho biết, nếu phụ nữ trong giai đoạn giữa và cuối thai kỳ hay nằm ngửa, tử cung mở rộng sẽ chèn ép tĩnh mạch chủ dưới khiến lượng máu giảm về tim.
Điều này có thể dẫn đến tụ máu trong nhau thai, thai nhi có thể bị thiếu oxi và gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Còn khi nằm nghiêng về bên phải, tử cung to lên ở bên phải sẽ chèn ép lên niệu quản, khiến niệu quản bị giãn, thậm chí là làm thận ứ nước. Vì vậy, nằm nghiêng về bên trái là lựa chọn thích hợp nhất cho phụ nữ cuối thai kỳ.
3. Ba nhóm người nên nằm ngửa khi ngủ
Người bị cao huyết áp
Mao Zhiqi, bác sĩ trưởng khoa phẫu thuật thần kinh của bệnh viện đa khoa PLA cho biết, tư thế ngủ tốt nhất cho người bệnh cao huyết áp là nằm ngửa, gối cao khoảng 5cm, không nên quá cao hoặc quá thấp. Tư thế này giúp đảm bảo động mạch cảnh không bị đè nén và cũng cấp đủ lượng máu lên não.
Nằm nghiêng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn tuần hoàn máu, đặc biệt là máu ở cổ lưu thông chậm lại, lâu dần dễ tích tụ trong động mạch và hình thành máu tụ. Để tránh mối nguy hiểm tiềm ẩn này, tư thế nằm ngửa khi ngủ là thích hợp hơn cả.
Những người gặp vấn đề về khớp
Yuan Feng, bác sĩ chỉnh hình tại Bệnh viện Đông phương Thượng Hải cho biết, việc nằm ngửa được khuyến khích cho những người hay gặp các vấn đề về xương khớp. Để có một giấc ngủ ngon, mỗi người có thể đặt một cái gối ở dưới thắt lưng và dưới đầu gối. Những chiếc gối sẽ giúp cột sống duy trì đường cong tự nhiên. Cách kê gối như vậy sẽ giúp giảm những áp lực của trọng lực đặt lên lưng của bạn.
Người bị thoát vị đĩa đệm
Shidai, phó trưởng khoa chỉnh hình của bệnh viện trực thuộc Đại học Dương Châu, cho biết đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, nằm ngửa khi ngủ có thể giảm bớt sự khó chịu của thắt lưng một cách hiệu quả.
Theo đánh giá từ nhiều nghiên cứu, đây là tư thế nằm tốt nhất cho người thoát vị đĩa đệm. Tư thế này không chỉ giúp giảm đau mà còn hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ. Việc nằm ngủ với tư thế này có tác dụng cân bằng lực tác động lên cột sống, đồng thời điều chỉnh lại đường cong sinh lý vốn có đồng thời tuần hoàn máu sẽ lưu thông tốt hơn. Nhờ vậy, bệnh thoát vị đĩa đệm về lâu dài sẽ được cải thiện, cơn đau sẽ giảm dần.
Nguồn: 163