Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), việc nhập khẩu đường đang có diễn biến bất thường. Đường từ Thái Lan "quá giang" Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia rồi tuồn vào Việt Nam để lẩn tránh thuế. Trước đó, cả 5 quốc gia này chưa từng xuất khẩu đường sang Việt Nam.
Đi đường vòng để né thuế
VSSA cho rằng có dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký VSSA, đường Thái Lan đã được chuyển sang các nước láng giềng để bán vào Việt Nam với số lượng cực lớn. Tình trạng này là do trước đó, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan. Theo đó, các công ty sản xuất, xuất khẩu Thái Lan bị áp thuế tạm thời 48,88% đối với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô, gồm thuế CBPG và thuế CTC.
Diện tích trồng mía ngày càng thu hẹp Ảnh: NGỌC TRINH
Vì vậy, từ cuối tháng 10-2020, các thương nhân nhập khẩu đường Việt Nam đã ráo riết tìm mua đường có xuất xứ ASEAN ngoài Thái Lan như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia để đưa vào thị trường nước ta, gây sức ép lên đường trong nước. Cả năm 2020, tổng lượng đường nhập khẩu của Việt Nam lên đến 1,384 triệu tấn, tăng gần 4 lần so với năm 2019.
Ông Lộc cho biết thời gian qua, bất chấp dịch Covid-19, buôn lậu đường vẫn diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới Tây Nam. 8 tháng đầu năm 2021, Campuchia nhập khẩu 393.414 tấn đường từ Thái Lan và xuất bán chính thức sang Việt Nam hơn 100.000 tấn, gần 300.000 tấn còn lại được tập kết tại biên giới để tìm mọi cách tuồn vào nước ta.
Nhà máy đường tiếp tục "rơi rụng"
Theo ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch VSSA, niên vụ 2020-2021 là năm khó khăn chung của ngành mía đường. Nông dân không mặn mà với cây mía dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm. Diện tích trồng mía còn 187.100 ha, giảm 19,83% so với vụ trước.
Mía được đưa vào các nhà máy đường chế biến khoảng 6,7 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với dự kiến. Sản lượng đường sản xuất được là 901.230 tấn, giảm 78.124 tấn, tương đương 10,17% so với vụ trước và thấp nhất trong 20 vụ gần đây. Gần 1/2 nhà máy đường đã "rơi rụng", từ 41 nhà máy hiện còn 24 nhà máy.
Sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC, các nhà máy đường đã nâng giá mua mía từ mức 800.000 đồng - 850.000 đồng/tấn lên 900.000 đồng - 1,1 triệu đồng/tấn tùy theo vùng nhằm khuyến khích nông dân duy trì diện tích mía. Tuy nhiên, từ những tháng đầu năm, đường có nguồn gốc nhập khẩu, bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu, tiếp tục làm chủ thị trường.
Đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu. 8 tháng đầu năm 2021, lượng đường nhập khẩu đã lên đến gần 1,2 triệu tấn, lớn hơn sản lượng đường sản xuất trong nước vụ 2020-2021, càng gây khó khăn cho các nhà máy đường trong nước.
Ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, cho rằng đường nhập khẩu tràn ngập với số lượng quá lớn đã khiến nhà máy đường không thể phát triển được. Ông Đàng kiến nghị cần có giải pháp ngăn chặn đường nhập lậu cũng như đường Thái Lan mượn xuất xứ các nước trong khu vực để bán sang Việt Nam. Có như vậy mới giúp được nhà máy đường trong nước ổn định sản xuất, hợp tác cùng nông dân phát triển vùng trồng mía.
Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ của VSSA yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Ngày 21-9, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2171/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, bị cáo buộc lẩn tránh thông qua Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
"Xóa sổ" vùng sản xuất mía
Các xã Lương Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức của huyện Bến Lức và một số xã ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An khoảng 7-8 năm trước bạt ngàn những cánh đồng mía. Có lúc, diện tích trồng mía ở đây lên tới 11.000 ha, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Thế nhưng, từ năm 2013, cây mía ở địa phương bắt đầu giảm giá trị kinh tế bởi nhà máy thu mua giá thấp.
Không chỉ thế, sau thời gian dài làm ăn thua lỗ thì hoạt động của Nhà máy Nivl cũng èo uột dần, nợ tiền thu mua mía của nông dân kéo dài, có lúc lên tới gần 100 tỉ đồng. Chủ nhà máy này còn nợ thuế, nợ tiền đóng BHXH cho công nhân lao động; năm 2017 nhà may dừng hoạt động.
Nhà máy Đường Hiệp Hòa cũng lâm vào cảnh khó khăn, nợ tiền thuế, tiền lương, BHXH cho công nhân; phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và đã dừng hoạt động từ mấy năm trước.
Tình cảnh này càng làm cho những nông dân huyện Bến Lức và huyện Thủ Thừa còn "bám" cây mía khó khăn gấp bội. Các ngành chức năng ở tỉnh Long An đã nhiều lần làm việc với một nhà máy đường ở tỉnh khác để kêu gọi thu mua mía cho nông dân địa phương nhưng không khả thi.
"Cây mía vốn có một thời hoàng kim, mang lại kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở Bến Lức, Thủ Thừa nhưng hiện nay đã bị "xóa sổ" trong cơ cấu phát triển nông nghiệp ở tỉnh Long An. Diện tích trồng mía trước đây, nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn" - ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết.
H.Long