Nhiều thách thức
ĐBQH Trần Hoàng Ngân bày tỏ đánh giá rất cao báo cáo khá chi tiết của chính phủ về Cơ cấu lại nền kinh tế. Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đảm bảo tính khách quan vào khoa học.
Theo ông Ngân, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta được thực hiện trong nhiều năm, đặc biệt kể từ khi kinh tế chịu tác động bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu năm 2008-2009. Khi đó, kinh tế bị suy giảm, lạm phát cao. Đảng và Nhà nước đã có nghị quyết liên quan quá trình tái cơ cấu.
Quốc hội khóa XIII có 2 Nghị quyết số 10 và 86 về cơ cấu. Quốc hội khóa XIV có Nghị quyết 24 về cơ cấu lại nền kinh tế nước ta. Sau một thời gian thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta đã đạt được những mục tiêu nhất định. Chúng ta thực hiện được 17/22 chỉ tiêu, mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24….
ĐBQH Trần Hoàng Ngân.
"Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều thách thức", Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.
Thứ nhất, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay còn diễn biến phức tạp khó lương, có thể phát sinh nhiều biến thể mới. Nên quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà thích ứng an toàn với kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Thứ 2, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, nằm trong top cao của thế giới, nên phải chịu ảnh hưởng nhiều chiều, tác động của nhiều yếu tố. Thế giới vừa qua tung nhiều gói kích thích kinh tế làm tăng tổng cầu. Bên cạnh đó, đứt gãy chuỗi cung ứng cho dịch bệnh làm giá cả hàng hóa tăng cao. Lạm phát thế giới đang bùng lên trong đó có giá xăng dầu, có khả năng tác động tới lạm phát nước ta trong thời gian tới.
Đặc biệt, các chi phí, dự toán trong kế hoạch đầu tư của chúng ta có thể bị thay đổi, Chính phủ cần kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn.
"Nhân đây, tôi kiến nghị với Chính phủ sớm xem xét can thiệp, bình ổn, hỗ trợ giá xăng dầu bởi hiện nay giá xăng dầu đang tăng rất nhanh. Trong khi đó, chúng ta còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thế giá trị gia tăng, quỹ bảo vệ môi trường cần được sử dụng khi giá cả tiếp tục tăng lên", Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Trong vấn đề cơ cấu lại còn đầu tư công. Thời gian qua, đã có chuyển biến tích cực nhưng việc giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, điểm yếu cần rà soát, chỉ ra các nguyên nhân để tập trung xử lý dứt điểm. Đề nghị Chính phủ duy trì tổ hỗ trợ, phản ứng nhanh, giúp các tỉnh thành giải ngân đầu tư công, ông Ngân nói.
Phân bổ vốn đầu tư, cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế mà chúng ta đang thảo luận, ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
"Nhân đây, tôi cũng đề nghị với Chính phủ sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế, để cho liên kết vùng thực hiện có hiệu quả. Chúng ta đã có quy định nhưng chưa làm rõ được quyền lợi, trách nhiệm của các đơn vị tham gia liên kết vùng", vị ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết.
Về cơ cấu lại Doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo báo cáo của Chính phủ, Đại biểu Ngân đánh giá cao sự cải thiện kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra không đạt mục tiêu đề ra.
"Chúng ta chỉ cổ phần hóa được 39/128 doanh nghiệp. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Rất mừng khi Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 126. Hy vọng thời gian tới quá trình cổ phần hóa diễn ra tốt hơn", ông Ngân nói.
Về vấn đề thoái vốn, Đại biểu Ngân cho ràng nên manh dạn giao cho chủ doanh nghiệp quyết định thoái vốn, thời điểm thoái vốn bởi nhà nước quy định thì thiếu tính minh bạch cho những doanh nghiệp đó.
"Không phải cần mà rất cần tái cơ cấu nền kinh tế"
Phát biểu trước Quốc hội, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết ông băn khoăn khi nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, trong đó dẫn một số ý kiến cho rằng không cần thiết đưa cơ cấu lại nền kinh tế thành một nội dung riêng.
"Tôi thấy rằng cơ cấu lại nền kinh tế chính là thay đổi về cơ cấu, hay chính là thay đổi quan hệ tỷ lệ, phân bổ nguồn lực để làm thay đổi tốc độ quy mô, tốc độ phát triển các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế…. Với cách hiểu như thế, tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, không phải cần mà rất cần thiết cơ cấu lại nền kinh tế", ông Cường nói.
ĐBQH Hoàng Văn Cường.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế chúng ta đang mất cân đối. Nhiều đại biểu đã chỉ ra vấn đề như là vốn trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ rất lớn nhưng không hiệu quả. Trong khi đó, khu vực tư nhân không có khả năng tiếp cận.
"Hoặc chúng ta thấy nhiều vùng có tiềm năng phát triển tốt nhưng đầu tư phát triển lại không tương xứng. Chẳng hạn như Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ đầu tư hạ tầng thấp hơn nhiều so với vùng khác. Hoắc các vùng kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng nhưng cách khai thác, đầu tư, phát triển kinh tế biển hầu như chưa được quan tâm", Đại biểu Cường nêu ví dụ.
Vị Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng nền kinh tế đang thiếu trụ cột để tạo nên nền kinh tế phát triển tự chủ và bền vững.
"Nhiều Đại biểu cũng nói rằng nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào FDI. Xuất khẩu thì có 70% là FDI. Trong đó 70% là giá trị bên ngoài. Điều đó có nghĩa là 50% tăng trưởng của chúng ta là đang đi tăng trưởng hộ các nước khác. Chúng ta đang nhận phần giá trị gia tăng rất nhỏ, dẫn tới giá trị lao động của chúng ta thấp. Phải chăng chúng ta cứ mãi mãi làm khâu giá trị thấp đó?. Do đó, chúng ta cần thiết phải thay đổi", Đại biểu Cường nói.
Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành một quốc gia hùng cường. Tuy nhiên, Đại biểu Cường cho rằng quốc gia hùng cường nào cũng phải dựa trên các trụ cột hoặc các tập đoàn kinh tế mạnh để không chỉ làm chủ kinh tế đất nước mà còn vươn ra thế giới hay nắm được các yết hầu kinh tế thế giới như tài chính ngân hàng hay huyết mạch về hàng hóa, tiền tệ.
"Nước ta, chúng ta thấy hầu như chưa có các trụ cột này. Điển hình, vận tải đường sắt đô thị là rất cần thiết vì chúng ta có nhiều đô thị lớn, bao gồm cả trục Bắc – Nam cần đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, chúng ta lại đang dùng tiền đi thuê nước ngoài xây dựng từng đoạn đường và đã thấy nảy sinh hàng loạt những hệ lụy bất cập", ông Cường nói.
Cùng với đó, vị đại biểu đoàn Hà Nội đặt câu hỏi liệu chúng ta có cần thiết phải tạo dựng lên các cơ chế tạo dựng lên những tập đoàn vững mạnh để làm trụ cột trong lĩnh vực như công nghiệp đường sắt, cảng biển… để tạo ra thế chủ động của chúng ta hay không.
"Những tác động từ đại dịch và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải cơ cấu lại. Hiện nay, tất cả các lĩnh vực đều đang được cơ cấu lại. Thậm chí ngay trong hộ gia đình, cách chi tiêu, cách sử dụng đồng tiền cũng đang thay đổi. Trong một tổ chức doanh nghiệp, tổ chức hoạt động cũng thay đổi, loại bỏ đi những hoạt động không cần thiết….", ông Cường nói.
Những điều đó đặt ra nền kinh tế cần thay đổi nhiều hơn. Hiện nay, phân bổ nguồn lực, phân bổ phát triển các vùng không cân đối, tập trung quá vào một số các điểm đã gây ra những hậu quả nặng nề như trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
"Chúng ta muốn đi đầu trong CMCN 4.0 nhưng đã làm chủ được gì trong công nghệ này. Hiện tại, hội họp vẫn dùng các phần mềm nước ngoài. Chúng ta có đầu tư để làm chủ lĩnh vực này hay không. Tôi thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ lĩnh vực này nếu đặt hàng các tập đoàn, các nhà đầu tư trong nước", Đại biểu Cường nói.
Từ những vấn đề đã nêu, ông Cường cho rằng cần có cơ chế đột phá để tạo lập ra chỗ đứng, thay đổi các phương thức đầu tư chứ không phải thực hiện các biện pháp thông thường.