"Bất động sản trong giai đoạn này sẽ không có câu chuyện đóng băng, mà chỉ đang ở trạng thái giữ giá, tích luỹ do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường lại cao", đó là nhận định của ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân tại Talkshow "Khẩu vị nào cho nhà ở vùng ven" mới đây.
Thực tế cho thấy, thị trường địa ốc đã bắt đầu ghi nhận dấu hiệu khó khăn kể từ giai đoạn cuối năm 2019. Đến đầu năm 2020, cú bồi Covid-19 càng khiến cho thị trường lao đao.
(Ảnh minh hoạ)
Sau gần 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường ngày càng khó chồng khó. Trước đó đã ghi nhận một số nơi diễn ra tình trạng cắt lỗ. Ghi nhận từ Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của DKRA Việt Nam về thị trường bất động sản quý II cho thấy, đã xuất hiện việc một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ, giảm một phần lợi nhuận để tạo thanh khoản, do chịu áp lực từ lãi vay. DKRA Việt Nam cũng nhận định, thị trường bất động sản thứ cấp cũng kém sôi động, thanh khoản thị trường ở mức rất thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong khi đó, dữ liệu thị trường của trang batdongsan.com ghi nhận trong tháng 8/2021, lượng tin đăng toàn trang giảm 58%, lượt quan tâm giảm 27% so với tháng trước.
Phân khúc đất nền và đất lẻ trên toàn quốc có lượng tin đăng giảm mạnh tới 53%, lượng khách tìm kiếm sản phẩm ở phân khúc này cũng giảm 29%. Riêng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, lượng khách có nhu cầu tìm mua đất nền và đất lẻ cũng giảm tới 33% so với tháng trước.
Đến quý III, báo cáo thị trường bất động sản quý III/2021 của Batdongsan.com.vn công bố nhận định, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất trên cả nước vốn đã có sự suy giảm đáng kể từ tháng 6/2021. Đến tháng 9 và tháng 10 tín hiệu sự phục hồi mới bắt đầu xuất hiện.
Song, ngay cả ở thời điểm hiện tại, dù việc đi lại trở nên thuận lợi hơn, làn sóng nhà đầu tư quay trở lại các thị trường tỉnh đông đảo nhưng theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, lực cầu của thị trường còn yếu so với trước.
Một điểm đáng chú ý khác, đó là các thị trường tỉnh dù đông đảo người đi xem đất thời điểm cuối tuần nhưng phần lớn mới chỉ dừng ở việc khảo sát, tìm hiểu thực tế.
Những giao dịch thành công chủ yếu diễn ra ở những nhà đầu tư đã có quá trình tìm hiểu kĩ lưỡng từ trước khi dịch bùng. Họ thậm chí đã trở đi trở lại các thị trường này từ trước khi dịch bệnh phức tạp và sau thời gian bị gián đoạn vì dịch bệnh, lần trở lại này, họ quyết định mua.
Khảo sát của PV cũng ghi nhận, ở thời điểm hết giãn cách, nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận hạ giá từ 5-15% để nhanh chóng thoát hàng. Tâm lý lo ngại vì dịch bệnh, cộng với tình hình kinh tế khó khăn khiến giá bất động sản chưa có xu hướng bật tăng trở lại.
Ông Phạm Vận (nhà đầu tư đến từ Hà Nội) nhận định, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, giá bất động sản sẽ có thể sụt nhẹ hoặc giữ nguyên kéo dài trong vòng 2-3 năm. Đó là quy luật tất yếu của thị trường địa ốc nếu xét ở chu kỳ 7-10 năm, sẽ tăng, giảm, hoặc giữ nguyên không đổi.
Điển hình như nhìn lại hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều đợt biến động. Giai đoạn năm 2008-2010, giá bất động sản có xu hướng đi ngang dù xảy ra tăng nóng ở một số khu vực.
Đến giai đoạn 2011-2013, giá bất động sản lao dốc không phanh, có nơi giảm đến 50%. Giai đoạn 2014 đến cuối 2018, thị trường bất động sản tăng trưởng dần trở lại với xu hướng bật tăng về giá, cá biệt có nơi tăng tới 300%.
Đến giai đoạn hiện tại, sự đi ngang của giá bất động sản không chỉ do cú bồi Covid-19 mà còn đến từ tính quy luật của thị trường.