Đối với người Việt, bữa cơm là biểu tượng của sự gắn kết, quây quần, chia sẻ. Trong bữa ăn này, thực phẩm có thể thay đổi luân phiên để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, gần như không bao giờ thiếu một nồi cơm nóng hổi.
Nấu cơm tưởng chừng là việc làm đơn giản nhất, thế nhưng bạn có tự tin rằng mình đang làm đúng cách? Đặc biệt là trong việc vo gạo – hành động này có thể lọc hết bụi bẩn nhưng đồng thời cũng có thể làm lãng phí dinh dưỡng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe, nếu mắc phải một số sai lầm dưới đây khi vo gạo thì nồi cơm của bạn sẽ vừa kém dinh dưỡng, lại còn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư .
1. Không rửa tay trước khi vo gạo
Gần như tất cả chúng ta đều quên mất việc phải rửa tay trước khi vo gạo, điều ấy khiến gạo dễ dàng bị nhiễm khuẩn. Bác sĩ Nguyễn Đình Bình (giảng viên y học trường Đại học Đông Đô) cho biết: "Trên bàn tay con người có chứa nhiều vi khuẩn hơn so với những gì mắt thường trông thấy được. Các nghiên cứu chứng minh trên 1cm2 da có chứa tới 40.000 vi khuẩn, thậm chí con số này trên lòng bàn tay, móng tay, kẽ tay… còn cao hơn nữa. Trên bàn tay người có thể chứa vi khuẩn Salmonella; Listeria; Escherichia Coli; Bacillus… Do đó chúng ta nên rửa sạch bàn tay bằng xà phòng trước khi ăn hoặc là vo gạo".
Theo bác sĩ, nếu không rửa sạch tay trước khi vo gạo thì việc số lượng vi khuẩn trên truyền vào hạt gạo, nồi cơm là rất cao. Tuy số lượng vi khuẩn này có thể tiêu diệt ở nhiệt độ cao nhưng rửa tay trước khi vo gạo vẫn là cách làm đúng nhất để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Vo gạo quá kỹ
Nhiều người cho rằng càng vo gạo kỹ thì càng sạch, thực tế chính phần nước màu trắng đục lại chứa nhiều dinh dưỡng nhất. Việc vo gạo quá kỹ khiến cho một lượng lớn các vitamin và chất khoáng bám bên ngoài hạt gạo như glucid, protein, lipid, chất khoáng, vitamin B1, B2, B6… bị trôi mất.
Tốt nhất bạn chỉ nên vo gạo nhẹ nhàng một lần để loại bỏ trấu, sạn. Phần nước vo gạo có thể bón cây hoặc rửa mặt đều tốt vì có nhiều chất dinh dưỡng.
3. Thích lựa chọn các loại gạo trắng tinh
Cũng theo BS Bình, những loại gạo trắng tinh tuy rất đẹp mã nhưng lại chưa chắc đã tốt cho sức khỏe. Những loại gạo có màu quá trắng có thể là sản phẩm gạo mốc được tẩy trắng hoặc tẩm sáp. Hoặc là gạo được xát quá kỹ, điều ấy khiến cho lớp cám bên ngoài của gạo mất đi, vô tình mang đi nguồn dinh dưỡng quý giá của gạo.
Nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard (ở Boston, Mỹ) từng cho biết: Những người ăn nhiều gạo trắng mỗi ngày có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường . Do đó, thay vì ăn gạo trắng tinh, bạn có thể lựa chọn gạo lứt hoặc gạo xát dối.
4. Gạo mốc vẫn đem đi vo để nấu cơm
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần vo gạo mốc qua nhiều nước là có thể ăn bình thường, nước sẽ cuốn trôi hết nấm mốc. Xong thực tế, nấm mốc không chỉ tồn tại trên bề mặt mà còn phát triển sâu trong gạo, thông qua việc vo gạo thì hoàn toàn không thể loại bỏ được độc tố.
Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, nấm Aspergillus flavus trong gạo có thể tạo ra độc tố aflatoxin . Độc tố này tích lũy dần dần trong cơ thể và sẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư gan.
Nhiệt độ để có thể tiêu diệt aflatoxin là 280 độ C, chính vì thế phương pháp nấu và chế biến thông thường không thể nào loại bỏ được chúng.
Một khi gạo bị mốc thì phải vứt bỏ ngay, nếu bạn tiêu thụ những thực phẩm nhiễm aflatoxin trong thời gian dài thì có thể gây tổn thương tế bào gan, làm tăng tỷ lệ ung thư gan và gây tử vong nhanh nếu ngộ độc.
Lưu ý khi nấu cơm để vừa thơm ngon vừa giữ được dinh dưỡng
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh (Viện Dinh Dưỡng), có một bí quyết khi nấu cơm để cơm thơm ngon hơn đó là dùng nước sôi thay cho nước lạnh. Nhờ cách này, cơm sẽ dẻo hơn, đồng thời các chất dinh dưỡng trong gạo được giữ nguyên. Lý do là bởi khi được nấu bằng nước sôi, lớp ngoài của hạt gạo sẽ co lại, tạo nên một lớp màng bảo vệ hạt gạo, giúp vitamin B1 được giữ lại nhiều hơn đến 30% so với việc nấu cơm bằng nước lạnh.