Mùa đông đến cũng đồng nghĩa với mùa cúm cận kề. Lúc này, nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc tăng cường hệ thống miễn dịch để có sức đề kháng tốt hơn.
Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bạn. Và thói quen ăn uống cũng tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức mạnh của hệ miễn dịch.
Trên thực tế, một số thói quen ăn sáng có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch theo những cách mà bạn có thể không nhận ra.
Để tìm hiểu về những thói quen ăn sáng có hại cho hệ miễn dịch, trang Eat this đã phỏng vấn hai chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ - Courtney D'Angelo và Lauren Manaker.
Hãy cùng xem đâu là những thói quen ăn sáng tồi tệ nhất và đâu là các mẹo để tăng cường hệ thống miễn dịch.
1. ĂN QUÁ NHIỀU ĐƯỜNG BỔ SUNG
Các thực phẩm ăn sáng như ngũ cốc có đường, bánh ngọt, pancake và waffle đều chứa đường bổ sung.
Khi nói đến một bữa sáng lành mạnh, bạn nên xem lại lượng đường trong bữa ăn của mình, các chuyên gia khuyên.
D'Angelo nói: "Các thực phẩm ăn sáng như ngũ cốc có đường, bánh ngọt, pancake và waffle đều chứa đường bổ sung, và tiêu thụ quá nhiều đường theo thời gian có thể tác động tiêu cực đến các tế bào bạch cầu, những tế bào liên quan đến việc chống lại nhiễm trùng".
Và theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngay cả khi bạn không ăn pancake mỗi sáng, lượng đường tiêu thụ của bạn có thể tăng lên theo những cách không ngờ, ví dụ như đường cho vào cà phê…
"Dữ liệu cho thấy quá nhiều đường không hỗ trợ một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh", Manaker nói.
2. KHÔNG ĂN TRÁI CÂY, UỐNG NƯỚC ÉP
Nước cam nguyên chất chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch.
Tránh bổ sung đường trong bữa sáng không có nghĩa là bỏ qua đường tự nhiên từ trái cây và nước ép.
Manaker nói: "Khi mọi người đang cố gắng hạn chế lượng đường bổ sung, họ có thể bỏ uống nước cam nguyên chất vào bữa sáng, nhưng nước cam nguyên chất không chứa đường bổ sung mà chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch quan trọng, và một nghiên cứu mới thậm chí còn cho thấy nước cam nguyên chất có khả năng chống viêm".
Thoạt nhìn, có vẻ như chứng viêm không ảnh hưởng đến sức mạnh của hệ thống miễn dịch, nhưng theo Manaker, "những người bị viêm mức độ thấp có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng, vì vậy, bổ sung nước cam trong một chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể có thể giúp ích cho hệ miễn dịch".
3. KHÔNG ĂN ĐỦ VITAMIN D
Các loại thực phẩm như cá hồi, yến mạch, trứng, sữa và một số loại nước trái cây có thể là nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời.
Vitamin D là một thành phần quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch. Theo D'Angelo, mọi người có thể dễ dàng vô tình bỏ qua chất dinh dưỡng quan trọng này khi chuẩn bị bữa sáng.
D'Angelo nói: "Các loại thực phẩm như cá hồi, yến mạch, trứng, sữa và một số loại nước trái cây có thể là nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời, nhưng nếu bạn có thói quen ăn sáng vội vàng, bạn có thể không nhận được đủ lượng vitamin D cần thiết cho cả ngày".
Việc cung cấp đủ vitamin D thông qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng là rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch. Tuy nhiên bạn cũng cần nhớ rằng việc ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên quan trọng không kém.
4. BỎ QUA PROTEIN
Các loại thực phẩm giàu protein là trứng, sữa và thậm chí đậu phụ.
Theo Manaker, protein là một thành phần quan trọng khác để duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, do đó, ăn sáng đủ chất là ‘chìa khóa vàng’ cho sức khỏe.
Manaker nói: "Nhiều thực phẩm ăn sáng như bánh ngọt hoặc bánh mì nướng kiểu Pháp chứa đầy carbs nhưng lại khá ít protein. Vì vậy, việc bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như trứng, sữa và thậm chí đậu phụ vào thói quen ăn sáng của bạn có thể giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch".
5. ĂN QUÁ NHIỀU THỨC ĂN NHANH
Chắc chắn là thức ăn nhanh cực kỳ tiện lợi, nhưng nó cũng có thể chứa nhiều muối.
Và cuối cùng, theo các chuyên gia, việc ghé qua cửa hàng thức ăn nhanh quá thường xuyên để ăn sáng có thể ‘tàn phá’ hệ miễn dịch.
Manaker nói: "Chắc chắn là thức ăn nhanh cực kỳ tiện lợi, nhưng nó cũng có thể chứa nhiều muối. Vì chế độ ăn nhiều muối có liên quan đến hệ thống miễn dịch suy yếu, thức ăn không có quá nhiều natri là lựa chọn tốt hơn".
(Nguồn: Eat this)