Người mẹ mắc ung thư ruột và duy trì sức khỏe được thêm 5 năm từ sau khi nhận kết quả chẩn đoán của bác sĩ. Đối với nhiều người cũng mắc căn bệnh này, bệnh nhân này đã quá may mắn rồi. Nhưng đối với cô con gái, cô lại cảm thấy tiếc nuối khi chưa biết cách chăm sóc mẹ tốt hơn để mẹ có thể sống lâu hơn. Bởi vậy, sau khi mẹ mất, cô vẫn thầm trách mình tại sao không dành nhiều thời gian ở bên cạnh mẹ để làm được những việc này tốt hơn...
1. Đáng lẽ phải phát hiện bệnh của mẹ sớm hơn
Cô con gái bày tỏ mẹ mình vốn là người có sức khỏe yếu hơn mọi người. Những năm trẻ tuổi, vì hoàn cảnh gia đình nên người mẹ chẳng dám ăn cũng chẳng dám mặc, công việc lại vất vả nên chẳng lúc nào tăng cân được. Tới tuổi xế chiều, cô con gái cảm thấy mẹ già nhanh hơn, thường xuyên bị cảm cúm, viêm đường tiêu hóa và hay bị bệnh vặt.
Vì bận rộn nên cô con gái không có thời gian đưa mẹ tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe; thay vào đó, khi nào nhớ ra, cô chỉ nhắc mẹ bằng lời nói chứ chưa thực sự quan tâm đến tình trạng bệnh của mẹ. Cô vẫn luôn day dứt khi mãi sau mới biết mẹ cô đã có triệu chứng máu trong phân được hơn nửa năm, nhưng mẹ cô sợ phiền tới con gái, luôn miệng bảo vẫn rất khỏe. Nếu như ngày ấy, cô biết được tình trạng thật sự thì có lẽ mẹ cô đã được phát hiện và chữa trị bệnh hiệu quả hơn.
2. Đáng lẽ phải nghe lời bác sĩ ngay từ đầu
Khi người mẹ nhận kết quả chẩn đoán ung thư ruột thì đã ở giai đoạn thứ 3, cả bà và chồng đều có ý định giấu con cái, không chịu nhập viện để phẫu thuật vì bệnh ung thư có thể đã bắt đầu di căn. Thay vào đó, ông bà lại nghe lời bạn bè, đi cắt thuốc Đông y, uống bên trong và bôi bên ngoài. Tuy nhiên, sau 3 tuần, bà thấy bệnh không thuyên giảm mà tình trạng máu trong phân ngày một nghiêm trọng hơn.
Tới thời điểm đó, bà mới báo cô con gái và quyết định vào bệnh viện phẫu thuật. Trên thực tế, ung thư là một căn bệnh phức tạp vì thế tình trạng bệnh của mỗi người không hề giống nhau. Những trường hợp không tin vào bác sĩ mà đi tìm những phương pháp chữa bệnh không có kiến thức như trên không hề hiếm. Bởi vậy, cô con gái đã ước giá như cô biết được sự thật sớm, chắc chắn cô sẽ động viên mẹ điều trị theo những bộ hướng dẫn điều trị ung thư. Đó chính là lựa chọn thành công nhất đối với hầu hết mọi người.
3. Đáng lẽ phải giúp mẹ điều trị bệnh trong sự thoải mái
Điều hối hận sau cùng của cô con gái chính là không thể nói chuyện từ tốn, dịu dàng với mẹ dù cô đã xin nghỉ việc ở nhà để chăm sóc mẹ, để cùng vào bệnh viện khám với mẹ. Cách ăn nói hùng hổ của cô con gái khiến người mẹ chẳng mấy khi chia sẻ chuyện gì nhiều, có chăng cũng chỉ là những lời cần giúp đỡ khẩn cấp mà thôi.
Mẹ của cô luôn cảm thấy khó chịu trong thời gian hóa trị, thậm chí còn cảm thấy ăn không ngon, ngủ không ngon. Những ngày hấp hối, cơ thể bà thường khó chịu vì những cơn đau khác, dù đã uống thuốc nhưng giấc ngủ ngon cũng chẳng chịu tìm đến. Thế mà, bà lại ngủ rất ngon khi bên cạnh giường, cô con gái nhẹ nhàng xoa lưng, xoa tay cho mẹ.
Ấy vậy, cô con gái thấy bản thân vô cùng đáng trách khi chỉ mới giúp mẹ ngủ ngon trong vài ngày vì bởi sau đó, mẹ cô đã chìm vào giấc ngủ thiên thu. Trong 5 năm mẹ cô bị ốm, vậy mà số thời gian cô thực sự ở bên cạnh lại chẳng nhiều. Vì thế, cô nhận thấy cô thất bại trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của mẹ.
Hi vọng lớn nhất của người thân của bệnh nhân ung thư là luôn muốn tìm những phương pháp tốt nhất để chữa bệnh nhưng đó chưa chắc lại là mong muốn lớn nhất của bệnh nhân. Bên trong họ luôn muốn được sống những ngày cuối đời hạnh phúc nhất. Cô con gái hi vọng những sai lầm của cô sẽ giúp những ai đang ở tình trạng như vậy sẽ có thể làm tốt hơn cô.