"Bắt sóng" nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ kỳ vọng mở cửa trở lại nền kinh tế đi kèm với các gói hỗ trợ phục hồi sau đại dịch


Kết hợp thêm việc tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh, BSC đánh giá thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng về kết quả kinh doanh; kèm theo mặt bằng lãi suất thấp hơn khiến mức chấp nhận định giá các tài sản tài chính cao hơn.

Cập nhật báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) dẫn nghiên cứu của Elgin trên 166 quốc gia cho biết, các Chính phủ đều kết hợp giữa các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, các quốc gia thu nhập càng cao thì quy mô và tỷ trọng gói kích thích về tài khóa và tiền tệ so với GDP lại càng lớn.

Trung bình các quốc gia phát triển đã chi hơn 25% GDP cho các gói hỗ trợ kinh tế để nhanh chóng thoát khỏi đáy của khủng hoảng COVID-19. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á thì quy mô gói nhỏ hơn nhưng vẫn đạt mức trung bình trên 15% GDP. BSC đánh giá, dư địa để Việt Nam có thể có các gói hỗ trợ lớn hơn vẫn còn rất nhiều.

Cụ thể, các gói hỗ trợ được kỳ vọng sẽ cùng lúc hướng vào việc giải quyết các khó khăn của người dân và cả các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh; song song với tạo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trở lại.

Kết hợp thêm việc tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh, BSC đánh giá thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng về kết quả kinh doanh; kèm theo mặt bằng lãi suất thấp hơn khiến mức chấp nhận định giá các tài sản tài chính cao hơn.

Nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi?

Từ những triển vọng trên, BSC chỉ ra 5 nhóm ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp hậu sóng COVID-19 gồm: bất động sản, vật liệu xây dựng sản xuất, bán lẻ, xuất nhập khẩu và hàng không. Bên cạnh đó, ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, vận tải, năng lượng - tiện ích, dầu khí hay dịch vụ tài chính là những nhóm ngành sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Bắt sóng nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ kỳ vọng mở cửa trở lại nền kinh tế đi kèm với các gói hỗ trợ phục hồi sau đại dịch - Ảnh 1.

Nguồn: BSC

Đối với nhóm bất động sản thương mại, BSC duy trì quan điểm khả quan trong nửa cuối năm 2021 nhờ điểm rơi lợi nhuận thường vào quý 3 và quý 4. Đặc biệt, môi trường lãi suất thấp và các gói tài chính linh hoạt sẽ là đòn bẩy hỗ trợ cho việc phục hồi của ngành trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh triển khai bán hàng thông qua nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Ngoài ra, dịch bệnh vẫn là rào cản lớn nhất dẫn đến sự đình trệ trong tiến độ giao dịch nửa cuối năm của nhóm bất động sản khu công nghiệp trong bối cảnh nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao. Điểm tích cực là khi hạ tầng giao thông kết nối sẽ giải quyết nút thắt cổ chai về logistics, qua đó hỗ trợ trực tiếp cho ngành bất động sản khu công nghiệp.

Nhóm ngành sản xuất và xuất nhập khẩu cũng được BSC đánh giá khả quan về triển vọng nắm giữ trong nửa cuối 2021. Cụ thể như việc kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng trưởng mạnh trong sáu tháng đầu năm (18,47 tỷ USD, tăng 19%); các doanh nghiệp dệt may đã ghi nhận kết quả kinh doanh quý 2 tốt nhờ giá trị đơn hàng truyền thống đạt mức tốt ngay từ đầu năm và mức nền so sánh thấp của năm 2020.

Trong khi đó, giá nguyên liệu thô đứng trước nhiều yếu tố bất ngờ cũng sẽ tác động tới nhóm ngành thép. Quan điểm BSC đưa ra là giá quặng sẽ giảm dần về cuối năm trong khi giá than nhiều khả năng sẽ hồi phục nhẹ. Theo đó, BSC đánh giá áp lực giảm đối với giá bán các sản phẩm thép đầu ra là thấp do nhu cầu hồi phục tốt và diễn biến giá nguyên liệu bù trừ lẫn nhau.

Nhìn sang nhóm thủy sản, BSC cho rằng chi phí vận tải và giá nguyên vật liệu neo cao sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn giữ quan điểm khả quan khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản hồi phục khả quan trong 6 tháng đầu năm đồng thời kết quả kinh doanh quý 2 cho thấy mức hồi phục của doanh nghiệp tương đương với ngành.

Sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker tính riêng trong quý 2/2021 đạt 27,8 triệu tấn (+19% so với cung kỳ). Giá bán xi măng nội địa tương đối ổn định trong khi giá xuất khẩu có xu hướng tăng khoảng 13%. BSC đánh giá tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng sẽ tốt hơn từ quý 4/2021 khi hoạt động xây dựng sôi động trở lại.

Tại nhóm cảng biển, triển vọng tăng trưởng sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp, trong đó sự tăng trưởng cao chủ yếu ở các doanh nghiệp khai thác ở hai cụm cảng nước sâu là Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải.

BSC giữ quan điểm khả quan đối với nhóm ngành dầu khí trong năm 2021 với giả định giá dầu thế giới đạt mức trung bình 68 USD/thùng, đồng thời khuyến nghị mua với nhóm cổ phiếu thượng nguồn và hạ nguồn được hưởng lợi từ giá dầu hồi phục và nhu cầu đi lại phục hồi sau dịch.

Quan điểm khả quan cũng được BSC duy trì tại nhóm công nghệ thông tin trong bối cảnh các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông cố định tiếp tục được hưởng lợi nhờ việc giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ kỳ vọng được hưởng lợi từ gói đầu tư công và xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam. Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý tình hình dịch bệnh phức tạp có thể khiến một số gói thầu lùi lịch đấu thầu.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội