Hiền Thi với 2.500 tấn nông sản cung ứng thị trường


Xuất phát điểm từ hộ nông dân chủ động sản xuất và khai thác thị trường tiêu thụ, chị Nguyễn Thị Hiền đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hiền Thi (gọi tắt HTX Hiền Thi) liên kết với nông dân Đà Lạt và Lạc Dương trong năm 2020 sản xuất và cung ứng ổn định bước đầu ra thị trường 2.500 tấn nông sản các loại.
 
Thu nhập lao động tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hiền Thi đạt 7- 8 triệu đồng/người/tháng
Thu nhập lao động tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hiền Thi đạt 7- 8 triệu đồng/người/tháng
 
Một ngày cuối tháng 1/2021, phóng viên đến trang trại dâu tây Nhật và Newzealand của HTX Hiền Thi ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương đang thời điểm thu hoạch rộ. Ở đây với tổng diện tích nhà kính công nghệ cao hơn 6.000 m2, HTX Hiền Thi đã đầu tư hàng tỷ đồng vật tư, thiết bị sản xuất dâu tây theo phương pháp bán thủy canh trên hệ thống máng giá thể tổng hợp, trên từng gốc cây được gắn với chiếc ống tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân tự động. Có đến 10 lao động khẩn trương hái dâu trong vườn và phân loại dâu trong nhà để đóng gói, vận chuyển đến nơi tiêu thụ kịp thời gian phân phối trong ngày. Giám đốc HTX Hiền Thi Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Mùa thu hoạch chính của dâu tây Đà Lạt và các vùng phụ cận từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. HTX Hiền Thi tuân thủ theo quy trình sản xuất VietGAP, thu hoạch mỗi ngày trên dưới 100 kg dâu tây/6.000 m2 nhà kính công nghệ tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương. Bên cạnh đó, với 7.000 m2 sản xuất theo quy trình VietGAP ở khu vực Đa Phú, Phường 7, Đà Lạt, HTX Hiền Thi cũng đạt năng suất tương tự...”. 
 
Ở khu vực nông nghiệp thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, HTX Hiền Thi đang sản xuất đa dạng các loại rau nhà kính liên canh dâu tây với tổng diện tích trên 3ha. Đây cũng là nơi sản xuất mô hình để các hộ liên kết trong và ngoài thành viên HTX đến tham quan, trao đổi và tổ chức sản xuất theo kế hoạch hàng quý, hàng năm. Tính đến cuối tháng 1/2021, sau hơn 3 năm 9 tháng hoạt động, HTX Hiền Thi đã liên kết 40 hộ gia đình ở Đà Lạt và Lạc Dương sản xuất hơn 50 ha dâu tây và các loại rau bắp cải, cải thảo, cà chua, súp lơ, xà lách, ớt chuông, dưa leo, bó xôi, đậu cove, tần ô, khoai tây, hành tây... với tổng sản lượng thu hoạch đưa ra thị trường tiêu thụ theo hợp đồng trong năm 2020 trên dưới 2.500 tấn. Trong khi 3 năm trước đó với tổng sản lượng mới đạt 600 tấn (năm 2017); 1.800 tấn (năm 2018); 2.000 tấn (năm 2019). 
 
Trong đó, thị trường tiêu thụ chiếm 70% tại TPHCM; 20% các tỉnh miền Trung và 10% Hà Nội. Cụ thể hơn, HTX Hiền Thi bao tiêu toàn bộ sản lượng rau của hộ liên kết để cung ứng theo hợp đồng với các doanh nghiêp trong nước gồm hệ thống siêu thị (70%); chợ đầu mối (15%); nhà hàng, khách sạn (15%). So với giá thị trường cùng thời điểm, HTX Hiền Thi thanh toán giá rau liên kết với nông dân cao hơn 10- 15%. Hạch toán doanh thu tăng khoảng 30% qua từng năm. Như năm 2019, HTX Hiền Thi đạt tổng doanh thu 22 tỷ đồng thì năm 2020 tăng lên 28 tỷ đồng. Đến nay, hình thức liên kết giữa HTX Hiền Thi với nông hộ ổn định từ việc cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ theo hợp đồng. Tương tự mô hình liên kết dọc giữa HTX Hiền Thi với doanh nghiệp tiêu thụ trong nước gắn kết ở trong tất cả các khâu - từ xây dựng kế hoạch, hỗ trợ vật tư, kỹ thuật cho nông dân đến triển khai sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Đặc biệt, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và HTX Hiền Thi đều thực hiện đúng cam kết phân phối toàn bộ nông sản thu hoạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ở công đoạn sơ chế, chế biến nông sản cũng tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình an toàn thực phẩm tiêu chuẩn HACCP, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho người tiêu dùng an tâm sử dụng. Kết quả HTX Hiền Thi được UBND thành phố Đà Lạt cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trên tất cả mặt hàng nông sản liên kết với nông dân và doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến trước khi đưa ra thị trường. 
 
Kế hoạch trong năm 2021, HTX Hiền Thi đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng mô hình du lịch canh nông tham quan, trải nghiệm các khu vườn dâu tây NewZealand và Nhật Bản tại khu vực Đa Phú, Phường 7, Đà Lạt và Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương với tổng diện tích 13.000 m2 nhà kính công nghệ cao. “Vườn dâu tây công nghệ cao HTX Hiền Thi chúng tôi hy vọng sẽ mang đến cảm nhận mới mẻ, thích thú đối với du khách khi khám phá toàn bộ quy trình canh tác khép kín với từng công đoạn sơ chế, đóng gói theo kỹ thuật mới; đồng thời thưởng thức tại chỗ những quả dâu tươi trực tiếp hái trong vườn hoặc mua về làm quà đặc sản chất lượng cao của cao nguyên Langbiang...”, Giám đốc HTX Nguyễn Thị Hiền bày tỏ.
 
Bài liên quan

Khuyến học ở huyện nghèo

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục là giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đó được các địa phương nhìn nhận rõ và tập trung thực hiện. Với Đam Rông, từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc phát ...

Đại hội Đảng XIII và nền tảng khát vọng 100 năm

Với khát vọng phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đang tiếp tục khẳng định vai trò hạt nhân, không thể thay thế, dẫn dắt đất nước, nhân dân tiến lên, đạt những đỉnh cao phát triển mới.
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội