Hiệu quả mang lại từ các hoạt động khuyến học đã đóng góp quan trọng cho việc phát triển giáo dục ở Đam Rông |
Những năm qua, huyện Đam Rông đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Quy mô giáo dục ở Đam Rông phát triển hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong huyện. Ông Âu Văn Nghị - Trưởng phòng Giáo dục huyện Đam Rông, thông tin: Đến thời điểm hiện tại, địa phương này đã có đủ loại hình trường lớp với 37 cơ sở giáo dục đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng lớn mạnh với 954 người năm 2020. Tỷ lệ học sinh lên lớp ngày càng tăng với 98,7% bậc tiểu học, 94,6% bậc THCS và 92,1% bậc THPT. Song song với đó, tình trạng học sinh bỏ học cũng được hạn chế tối đa. Nếu như năm 2016, lượng học sinh bỏ học ở bậc THCS chiếm 4%, ở bậc THPT chiếm 3,1% thì đến năm học 2019 - 2020 con số này giảm xuống còn 1,8% ở bậc THCS và 3,6% ở bậc THPT.
Cùng với ngành giáo dục, chính quyền các xã cũng đã có nhiều hoạt động nhằm phối hợp, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc phát triển giáo dục. Bởi vậy, đối với mỗi vấn đề, lãnh đạo huyện luôn có chỉ đạo sát sao. Đơn cử như việc vận động học sinh không bỏ học, huyện đã yêu cầu các địa phương thành lập Ban vận động học sinh ra lớp do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã đứng đầu. Mặt trận, các đoàn thể, lãnh đạo các thôn đều tham gia và phối hợp chặt chẽ với các nhà trường để nâng cao số lượng và chất lượng học sinh tới trường.
Ngoài chính quyền địa phương, nhận thức của Nhân dân về tầm quan trọng của giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt. Đó là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển hội khuyến học ở các cấp. Ông Trần Phú Vinh - Nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện, hiện đang đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đam Rông, cho biết: “Từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn huyện Đam Rông có 59 tổ chức khuyến học cơ sở với trên 6.800 hội viên. Hội Khuyến học luôn là nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Qua đó, các tổ chức chính trị, xã hội gắn việc đẩy mạnh học tập với phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu đánh giá các phong trào thi đua của mỗi đơn vị, địa phương”.
Các chi hội khuyến học đã được xây dựng tại các thôn buôn, hình thành dòng họ, gia đình hiếu học. Bên cạnh đó, việc xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng cũng được chú trọng. Hiện 8/8 xã thuộc huyện đã có các trung tâm học tập cộng đồng thường xuyên mở các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp cho bà con trên địa bàn. Ngoài ra, các cấp hội đã linh động trong thực hiện các mô hình hỗ trợ thúc đẩy hoạt động giáo dục, góp phần tăng thêm quy mô cũng như các điều kiện thuận lợi để phát triển giáo dục. Tiêu biểu như việc vận động học sinh ra lớp đầu năm học, vận động các học sinh không bỏ học giữa năm cũng như các phong trào “Tiếng kẻng khuyến học”, Cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”… là những hoạt động có dấu ấn rõ rệt trong thực hiện các phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện Đam Rông. Việc thực hiện hiệu quả các phong trào khuyến học đã góp phần nâng cao hiệu quả nhiệm vụ huy động và duy trì sĩ số học sinh ra lớp với 99% trẻ em trong độ tuổi ra lớp hàng năm, sĩ số ổn định ở tỉ lệ 99,5%.
Trung bình mỗi năm, Hội Khuyến học huyện đã xây dựng nguồn quỹ hội với trên 80 triệu đồng. Nguồn quỹ hội được sử dụng để khen thưởng học sinh giỏi. Ngoài ra, Huyện Hội còn phối hợp với các tổ chức xã hội trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó hàng năm. Tại cấp cơ sở, 100% các hội khuyến học đều xây dựng được quỹ khuyến học, nguồn kinh phí vận động từ các cơ quan, đơn vị với tổng số tiền trên 400 triệu đồng. Các nguồn quỹ hội trên đã giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh đồng bào DTTS, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục.
Mạng lưới hội khuyến học mặc dù đã được phủ khắp các xã, song vẫn không tránh khỏi tình trạng một số chi hội chỉ mới dừng lại ở việc khen thưởng cho các cháu học sinh. Có nhiều nhân tố tâm huyết, xuất sắc trong công tác hội chưa được vinh danh kịp thời. Những vấn đề đặt ra đã được Hội Khuyến học huyện Đam Rông nhìn nhận rõ và đặt ra những giải pháp thực hiện cụ thể tại Đại hội Hội Khuyến học huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua.
So với hội khuyến học các huyện trong tỉnh về tài lực, vật lực, Hội Khuyến học huyện Đam Rông rõ ràng còn hạn chế. Song, so với nội tại của chính địa phương này thì đó thực sự là bước tiến dài. Nhận thức của chính người dân về tầm quan trọng của việc học đã có sự thay đổi. Đó là cơ sở quan trọng để nền giáo dục ở địa phương này tiếp tục được nâng cao.