Làng rau Bàu Tròn “thấp thỏm” vụ Tết


Làng rau Bàu Tròn (Quảng Nam) mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau củ quả các loại phục vụ Tết Nguyên đán. Năm nay, điệp khúc “được mùa, mất giá” tiếp tục lặp lại, các hộ trồng rau đang “thấp thỏm” chờ thương lái và nghe ngóng sức mua của thị trường.

Làng rau Bàu Tròn “thấp thỏm” vụ Tết
Làng rau Bàu Tròn (Quảng Nam) đang bước vào cao điểm thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán

“Vựa rau sạch” lớn nhất Quảng Nam vào vụ Tết

Làng rau Bàu Tròn (thôn Phú Phước, Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) nằm ngay trên tuyến đường lớn nối từ Đại Lộc sang Duy Xuyên, qua Thánh địa Mỹ Sơn. Đây là vựa rau VietGap lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, cung cấp rau cho nội tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác.

Ông Nguyễn Hữu Nhàn – Trưởng thôn Phú Phước cho biết làng rau có diện tích 20 hecta với khoảng 280 hộ gia đình làm rau màu, với các loại rau, quả chính là dưa leo, mướp đắng (khổ qua), mướp ngọt, bầu, đậu cô ve (hàng la gim). Đây cũng là những loại rau chủ yếu để phục vụ thị trường Tết.

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão, đầu tháng 11 (tháng 10 Âm lịch) các hộ trồng rau của làng rau Bàu Tròn vẫn xuống vườn để bắt tay vào trồng vụ chính của năm – vụ Tết.

Làng rau Bàu Tròn “thấp thỏm” vụ Tết
Chị Thắm thụ phấn chủ động cho mướp ngọt để tăng tỷ lệ ra trái

Đang đi thụ phấn cho mướp ngọt, chị Huỳnh Thị Thắm (45 tuổi) cho biết, đã hơn 20 năm, chị đã gắn bó với nghề làm rau. Theo chị Thắm, mỗi vụ rau công đoạn khó khăn nhất là lúc xuống giống, giống có đẹp thì mới hi vọng vụ mùa tươi tốt, rau, quả đạt chất lượng. “Nghề trồng rau như chăm con mọn, giống xuống rồi thì phải chăm. Chăm sóc kỹ nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Làm ra rồi thương lái đến thu mua. Có năm thì được mùa mất giá, có năm thì ngược lại, nhưng bao nhiêu năm nay người dân vẫn làm màu, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi”, chị Thắm nói.

Đã 70 tuổi, con cái đều đã đi làm, nhưng cả 2 vợ chồng cô Nguyễn Thị Ba ngày ngày vẫn đạp xe, vác quốc ra đồng để chăm bẵm cho những luống rau, quả của mình. “Cô chú làm nghề này cũng bao nhiêu năm rồi. 4 sào rau, lúc có lời, lúc chỉ mong lại vốn nhưng nó cũng là cái nghề cho thu nhập. Già rồi thì làm ít lại, nhưng vẫn làm cho khỏe người. Ra đồng gặp bà con rồi chuyện trò, đó cũng là một niềm vui tuổi già”, cô Ba chia sẻ.

Làng rau Bàu Tròn “thấp thỏm” vụ Tết
Năm nay, vụ rau quả Tết của làng rau Bàu Tròn đạt năng suất tốt nhưng lại không được giá

Đầu ra không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái

Mặc dù cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau sạch. Nhưng có một thực tế diễn ra đã rất nhiều năm tại làng rau Bàu Tròn đó là đầu ra không ổn định, tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Vì vậy, có những thời điểm rau, quả làm ra sản lượng nhiều thương lái ép giá hoặc không thu mua người dân cũng phải “cắn răng chịu đựng”.

Trưởng thôn Nguyễn Hữu Nhàn cho biết, làng rau Bàu Tròn trồng rau quả quanh năm, nhưng do trũng, thấp nên đến mùa mưa là ngập, vì vậy không thể canh tác. “Dù là làng rau sạch nhưng chúng tôi cũng khó kí hợp đồng cung ứng rau cho các nhà phân phối, cửa hàng do nguồn cung không ổn định. Lúc được mùa, lúc mất mùa, chưa tính đến mùa mưa lũ mỗi năm 3 tháng không thể canh tác được”, ông Nhàn thông tin. Chính vì lí do đó nên khâu tiêu thụ rau hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Làng rau Bàu Tròn “thấp thỏm” vụ Tết
Luống đậu cô ve rủng rỉnh trái đợi thu hoạch

Năm nay, năng suất trồng rau của các hộ dân đạt hơn mức trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa mất giá” lại tiếp tục lặp lại. Ông Nhàn cho hay, hiện giá thu mua của thương lái tại vườn đối với các loại rau củ như dưa leo từ 2.000 – 4.000 đồng/kg, mướp đắng từ 15.000 – 17.000 đồng/kg, mướp ngọt 10.000 – 12.000 đồng/kg, đậu cô ve 5.000 đồng/kg. “Trung bình mỗi sào canh tác của người dân cung cấp ra thị trường khoảng hơn 1 tấn rau, củ một lần thu hoạch. Giờ chỉ mong dịch bệnh đừng phức tạp, thương lái thu mua toàn bộ sản phẩm làm ra cho bà con để mọi người có thu nhập đón Tết”, ông Nhàn chia sẻ.

Làng rau Bàu Tròn “thấp thỏm” vụ Tết
Làng rau Bàu Trong đang "thấp thỏm" đợi thương lái

Cô Ba cho biết, năm nay, do lũ lụt và mưa kéo dài nên cả làng đều xuống rau chậm hơn mọi năm. Cùng với đó, lo ngại dịch bệnh Covid – 19 nên lượng rau xuống giống cũng ít hơn. “Thời điểm mới vào vụ thu hoạch giá cũng tạm. Nhưng hiện tại vào đại mùa giá đã giảm mạnh. Mong là làm ra rồi sẽ bán hết để người làm không có công thì cũng không mất vốn”, cô Ba nói.

Vũ Lê

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội