IFA chỉ rõ, Việt Nam là thị trường nhượng quyền thương mại hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á với nhiều lĩnh vực tiềm năng, như: Thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang…
Ảnh minh họa |
Mô hình kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền thương mại ngày càng phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đây là phương thức giúp các doanh nghiệp nhượng quyền tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, đồng thời gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu phí nhượng quyền, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm doanh nghiệp.
Đối với bên nhận nhượng quyền, mô hình này giúp hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất trong kinh doanh. Thông qua uy tín của các thương hiệu lớn được nhượng quyền, sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến.
Theo bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, ngành nhượng quyền có đóng góp đáng kể vào GDP và có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở các quốc gia có ngành nhượng quyền phát triển, mức đóng góp khoảng 5-10% GDP. Tại Hoa Kỳ, “cái nôi” của ngành nhượng quyền, con số này là 5,1%; Canada với 10%, Australia 9% và Nam Phi 9,7%.
Ở châu Á, nhượng quyền phát triển mạnh nhất tại Hàn Quốc với mức đóng góp vào GDP là 7,8%, Malaysia 6,3%, Philippines 5%, Singapore 3%.
Còn tại Việt Nam, nhượng quyền thương mại được tìm thấy trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề, trong đó ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) thường chiếm số lượng lớn. Trước Covid-19, đã có các thương hiệu nhượng quyền lâu năm và rất thành công như: Trung Nguyen Coffee, Pho 24, T&T, Cafe Bobby Brewers, Kinh Do Bakery, Wrap and Roll, Café Cong, AQ Silk, Shop and Go, Highlands Coffee…
Theo đánh giá, thời kỳ hậu Covid-19, hoạt động nhượng quyền có thể phát triển mạnh mẽ ở các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ, mô hình linh hoạt hay những mô hình có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh. Để nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp được khuyến cáo nên lựa chọn đầu tư vào những ngành phục vụ nhu cầu cơ bản; những mô hình linh hoạt; đa dạng kênh doanh thu; đầu tư vừa phải và thu hồi vốn nhanh; ứng dụng nền tảng quản trị số vào hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh đầu tư mô hình phát triển bền vững.
Người tham gia kinh doanh nhượng quyền cần lưu ý đến ngôn ngữ của hợp đồng; các điều khoản đảm bảo chất lượng; kênh truyền thông sản phẩm, dịch vụ; nguồn nguyên liệu thay thế; điều khoản chuyển tiếp về quyền; gia hạn hợp đồng…
Bảo Ngọc