Khốc liệt cạnh tranh trong phân khúc robusta
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) - cho biết: Năm qua xuất khẩu cà phê Việt Nam đã gặp khó khăn kép khi vừa phải cạnh tranh với Brazil lại vừa gặp thách thức vì dịch bệnh khiến kênh tiêu thụ ở các nhà hàng, quán bar bị giảm mạnh.
“Việt Nam đang xuất khẩu cà phê Robusta chiếm khoảng 60% thị phần toàn thế giới. Trong khi đó Brazil cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này và lượng xuất khẩu của họ tăng rất nhanh, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Việt Nam. Cái khó là sản phẩm của họ rẻ nên người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần sản phẩm cà phê Robusta Việt Nam sang mua sản phẩm của Brazil” - ông Nam cho biết thêm.
Dù vậy, theo Vicofa, năm qua ngành cà phê cũng đón nhận những tín hiệu tích cực ở mảng cà phê hòa tan, cà phê rang xay do người tiêu dùng chuyển sang mua về nhà sử dụng. Đáng chú ý, một số thị trường như Nhật Bản, Malaysia, EU đã ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Trong đó ở thị trường Nhật Bản tăng 15,4%, đạt 170,3 triệu USD; Malaysia tăng 15,2%, đạt 65,3 triệu USD; riêng tại EU, nhờ lợi thế của FTA Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu xây dựng nhà máy để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu qua các nước EU. Đây là những động lực để ngành cà phê phát huy trong năm 2021 nên các doanh nghiệp cà phê sẽ có những chiến lược để tiếp cận thị trường EU tốt hơn.
Cũng theo Vicofa, kết thúc năm 2020 vừa qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,6 triệu tấn với giá trị gần 2,7 tỷ USD, giảm nhẹ cả lượng và giá trị so với năm 2019. Vicofa cho rằng, đây là một mức giảm tương đối chấp nhận được trong bối cảnh thị trường đang phải cạnh tranh khốc liệt.
Nâng cao giá trị, tạo bứt phá
Đánh giá về triển vọng của thị trường cà phê, nhiều doanh nghiệp cho biết, dù năm 2021 Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác song cà phê là một sản phẩm thiết yếu nên nhu cầu vẫn có triển vọng. Cụ thể, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng giám đốc TNI King Coffee - dự báo: Trong 5 năm tới, ngành cà phê trên thế giới vẫn duy trì nhu cầu tiêu thụ và Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để bứt phá.
Cùng chung quan điểm này, ông Đỗ Hà Nam đánh giá, cà phê là nhu cầu của toàn thế giới và chuyển đổi từ hương vị này sang đơn vị khác là không dễ nên sản phẩm của Việt Nam vẫn được ưa chuộng. “Có thể sẽ khó khăn nhưng với những tiềm lực đã có chúng ta sẽ vượt qua được” - ông Nam khẳng định.
Tuy nhiên, để ngành cà phê vượt qua những thách thức về cạnh tranh, theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Việt Nam phải nâng cao giá trị qua việc đa dạng hóa sản phẩm như nước tăng lực cà phê, cà phê uống liền, thực phẩm bổ sung, thuốc bổ từ cà phê kết hợp với thức ăn…; đồng thời duy trì - phát triển các sản phẩm cà phê truyền thống như hòa tan, rang xay… Ngoài ra, Việt Nam cũng cần liên kết ngành. Cụ thể là xây dựng - phát triển văn hóa cà phê như: Du lịch quảng bá cà phê Việt Nam với thế giới, giáo dục - đào tạo cấp chứng chỉ về cà phê, pha chế… Cùng với đó là gia tăng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa từ 1,68 kg/người (năm 2019) lên 3 kg/người (năm 2023). Bởi chỉ khi có được sức mạnh nội lực, vững chãi trên thị trường nội địa, cà phê Việt Nam mới có cơ hội để được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, được trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam đã bỏ ra. Và thực tế, TNI King Coffee đang thực hiện tốt những bước đi này khi vừa gia tăng xuất khẩu, vừa chắc chân ở thị trường nội địa.
Một doanh nghiệp khác trong ngành là Phúc Sinh Group cũng có chiến lược vừa xuất khẩu vừa thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Theo tiết lộ của doanh nghiệp này, năm 2020 ngoài duy trì sản lượng xuất khẩu, ở nội địa nhờ chuyển hướng “số hóa” kênh bán hàng, doanh số của Phúc Sinh đã ghi nhận tăng tới 200%.
Bà Trần Thị Mỹ Dung - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ - chia sẻ, để tìm chỗ đứng cho cà phê, hợp tác xã đã tạo ra hương vị khác biệt khi kết hợp nấm linh chi với cà phê. Việc này vừa giúp người dùng thưởng thức lại vừa nâng cao sức khỏe.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Xuất phát từ yêu cầu của ngành cà phê, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện những giải pháp phát triển ngành cà phê Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, trong thời gian qua hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường cho sản phẩm cà phê như: Chương trình Ngày Cà phê Việt Nam, Hội nghị đón các nhà nhập khẩu quốc tế tới giao dịch thương mại, tổ chức cho các doanh nghiệp ngành cà phê tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành nông sản, thực phẩm trong và ngoài nước… cũng được đẩy mạnh. |
Mai Ca