Lần đầu tiên nhóm nghiên cứu quốc tế chụp được ảnh 3D thực của virus SARS-CoV-2


Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã lần đầu tiên chụp được hình ảnh 3D thực của virus SARS-CoV-2, cho cái nhìn cận cảnh về cấu tạo của loại virus nguy hiểm chết người vốn khiến cả thế giới đang phải lao đao này.

Hình ảnh được công bố vào đầu tuần này bởi nhóm nghiên cứu chung đến từ Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST) của Saudi Arabia và công ty Nanographics của Áo.

Virus SARS-CoV-2 siêu nhỏ, hoàn toàn không thể nhìn thấy bằng mắt thường, mà cần đến camera và công nghệ khoa học tiên tiến mới có thể ghi lại hình ảnh thực của nó. Nó chỉ có đường kính khoảng 100 nanomet, tức chỉ bằng một phần 70.000 đường kính của một sợi tóc, với cấu trúc khá đặc biệt.

Giáo sư Lý Trại của Đại học Thanh Hoa và các cộng sự của mình đã quét hình ảnh virus SARS-CoV-2 từ các mẫu phẩm đông lạnh bằng công nghệ chụp cắt lớp cryo-electron, một công nghệ giúp thu được hình ảnh của virus ở độ phân giải cực cao. Dựa trên bản quét các mẫu virus do Đại học Thanh Hoa cung cấp, nhóm nghiên cứu của công ty Nanographics đã chuyển những hình ảnh này thành hình ảnh 3 chiều rất chân thực.

Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể chụp được virus SARS-CoV-2 rõ và chân thật tới từng chi tiết. Những hình ảnh thu được cho thấy, kích thước và bản chất hoạt động của các protein tăng đột biến trên bề mặt virus SARS-CoV-2, được coi là yếu tố chính để virus xâm nhập và bám vào tế bào ở người. Giáo sư Lý lý giải thêm: “Có hai chức năng của protein đột biến, một là nó liên kết với thụ thể và hợp nhất với màng tế bào, giống như một chiếc chìa khóa và ổ khóa vậy. Chức năng thứ hai là sau khi liên kết, cần phải có sự thay đổi về hình dạng, giống như thể nó có một bàn tay ẩn đang dang ra, kéo màng tế bào liên kết với màng của chính nó, trong quá trình này, lớp vỏ protein bên ngoài của virus sẽ tự mở ra".

Công trình nghiên cứu xây dựng hình ảnh 3D đầu tiên của virus SARS-CoV2 chỉ là một thành tựu nhỏ do nhóm của giáo sư Lý thực hiện. Trước đó nhóm nghiên cứu này từng làm sáng tỏ cấu ​​trúc phân tử tổng thể của virus SARS-CoV-2 vào tháng 9/2020, đóng góp đáng kể vào sự hiểu biết của các nhà khoa học toàn cầu về loại virus này và sự phát triển của vaccine Covid-19.

Theo giáo sư Lý, mục đích chính trong việc sản xuất hình ảnh 3D là để hiển thị và chia sẻ sự hiểu biết về bản chất thực sự của virus với cộng đồng khoa học toàn cầu, từ đó có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các chiến dịch phòng chống đại dịch cũng như phục vụ cho lĩnh vực giáo dục khoa học./.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội