Phát triển điện khí LNG: Cơ hội và thách thức


Sử dụng điện khí LNG nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng đất nước là vấn đề quan trọng được đề cập tại dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) - xung quanh vấn đề này.

Bà có thể cho biết một số nét về hiện trạng của ngành công nghiệp khí và kế hoạch nhập khẩu LNG cho điện hiện nay tại Việt Nam và định hướng trong thời gian tới?

Phát triển điện khí LNG: Cơ hội và thách thức

Sản lượng khí khai thác tại Việt Nam trung bình vào khoảng 9-10 tỷ m3 khí/năm. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của Việt Nam như thời điểm hiện tại và dự báo trong thời gian tới, sản lượng khí khai thác trong tương lai (từ năm 2022) chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt cho phát điện.

Để đảm bảo bù đắp nguồn cung khí trong nước thiếu hụt, tại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, phương án nhập khẩu đã được quy hoạch. Cụ thể là xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025, tăng lên 6 đến 10 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035.

Trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch năng lượng quốc gia) và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đã đề xuất phương án quy hoạch cơ sở hạ tầng phù hợp với định hướng chung cho lĩnh vực LNG trong tương lai và hiện đang trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Triển khai kế hoạch nhập khẩu LNG cho sản xuất điện, Chính phủ đã có những quy định, chính sách cụ thể nào, thưa bà?

Đề án về việc nhập khẩu LNG vào Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đối với việc nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Cụ thể, các tiêu chuẩn quy chuẩn đối với lĩnh vực LNG cũng đã được xây dựng, ban hành (hiện nay đã có 10 tiêu chuẩn, quy chuẩn về LNG được ban hành từ năm 2010 và năm 2015 và 5 tiêu chuẩn, quy chuẩn đã hoàn thành, đang được thẩm định để ban hành).

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 về kinh doanh khí (bao gồm LNG) và các cơ chế về mô hình kinh doanh LNG. Và giá LNG cho điện đối với chuỗi dự án khí điện LNG Thị Vải – Nhơn Trạch 3, 4 và Sơn Mỹ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Thị trường năng lượng cạnh tranh bao gồm phân ngành điện, khí và than. Bộ Công Thương cũng đang xây dựng thông tư về khung giá phát điện cho nhà máy sử dụng LNG.

Theo bà, việc triển khai các dự án điện khí LNG tại Việt Nam gặp khó khăn, thách thức gì?

Thực tế, đây là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam, nên trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn vì các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính.

Một số các dự án điện khí LNG bắt đầu áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư; trong khi cơ quan có thẩm quyền còn chưa có trình độ, kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, về giá, cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.

Để phát triển điện khí LNG, Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới?

Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII, trong đó có quy hoạch cơ cấu các nguồn điện, các dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên để phát triển nguồn điện bao gồm điện khí.

Đối với các dự án điện khí LNG trong quy hoạch trước đây đang được triển khai, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kịp thời báo cáo về các khó khăn, vướng mắc để có những chỉ đạo, xử lý kịp thời, đảm bảo tiến độ các dự án.

Bộ Công Thương cũng đang phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực điện khí LNG; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào thị trường điện khí LNG tại Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Lan Anh

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội