Biến động khó khăn
Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động, là một nội dung xuyên suốt đã được nhiều doanh nghiệp và đại diện hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước ở Hải Phòng đề cập đến, tại cuộc Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp vận tải và giải pháp vượt qua thách thức”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), tổ chức ngày 25/01/2020.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2020, vận tải hành khách cả nước đã suy giảm khoảng 29,6%, vận chuyển hàng hóa giảm khoảng 5,2%. Tại Hải Phòng, vận chuyển hàng hóa tuy có tăng nhưng không nhiều; còn vận tải hành khách tính theo lượt đã giảm khoảng 20,77%, luân chuyển hành khách giảm 28,59%. Nguyên nhân, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khách du lịch đến Hải Phòng đi bằng xe tuyến và taxi giảm sút nghiêm trọng, có thời điểm giảm tới 60-70%, đến nay vẫn chưa thể hồi phục được.
Ông Nguyễn Huy Bản - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kim khí Hải Phòng, chia sẻ: Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải hành khách và các bến xe. Thời điểm giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, hành khách đi lại không có, hoặc bị hạn chế, nhiều nhà xe phải tạm ngừng hoạt động, kéo theo hoạt động của bến xe cũng ngừng theo. Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 4 năm 2020, hoạt động của các bến xe Hải Phòng gần như ngồi chơi đếm lệnh nhỏ giọt xe xuất bến. Thậm chí, Bến xe Thượng Lý đã phải đóng cửa hoàn toàn, hàng trăm con người phải nghỉ việc, có nguy cơ mất việc, nhưng doanh nghiệp bến xe vẫn phải hỗ trợ thu nhập cho người lao động, chi khấu hao tài sản, phương tiện, khấu hao đầu tư.
Vận tải hành khách đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh minh họa |
Đối với vận tải hàng hóa, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, đi lại giao thương trực tiếp khó khăn, lượng hàng hóa có nhu cầu vận chuyển giảm, trong khi phí cảng biển lại tăng. Ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Én vàng quốc tế, cho biết: Trong năm 2020, sản lượng hàng hóa vận chuyển của công ty giảm khoảng 30-50%. Công ty phải gồng mình duy trì hoạt động, hỗ trợ các chi phí và thu nhập cho lái xe và cán bộ, công nhân viên vượt qua khó khăn.
Cần giải pháp thiết thực
Số liệu thống kê cho thấy, hiện thành phố Hải Phòng có khoảng trên 2.000 xe vận tải công cộng, trên 2.000 xe container vận chuyển hàng hóa. Để vận tải hành khách nói riêng và vận tải nói chung ở Hải Phòng hồi phục tăng trưởng, cần phải có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết nối và cải thiện việc tiếp cận tài chính, mở rộng thị phần, tận dụng lợi thế sẵn có để cạnh tranh phát triển trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng, mặc dù Chính phủ đã có những gói hỗ trợ tài chính như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lãi suất ngân hàng… giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, song doanh nghiệp vận tải Hải Phòng tiếp cận các chính sách này nhiều khó khăn, do điều kiện, tiêu chí, thủ tục phức tạp. Hỗ trợ doanh nghiệp từ phía nhà nước cần thiết thực, thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận và thụ hưởng chính sách.
Một số doanh nghiệp, cho rằng, Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ như xem xét mức giá thuế phù hợp cho doanh nghiệp vận tải khi dich Covid-19 vẫn phức tạp trên toàn cầu, hỗ trợ cứu các doanh nghiệp vận tải đang có nguy cơ phải giải thể.
Bên cạnh đó, chất lượng bến bãi nhiều nơi còn chưa đảm bảo, gây khó khăn cho việc tập kết phương tiện và bốc xếp hàng hóa, đón - trả khách, chi phí bến bãi thì tăng trong khi chất lượng bến bãi nhiều nơi lại không tăng mà đi xuống. Doanh nghiệp vận tải kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến kiến nghị, đề xuất Chính phủ và đề nghị các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng hạ tầng, bến bãi...
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đang có một ngành vận tải cung vượt quá cầu. Chỉ cần một biến động trên thị trường, hoạt động vận tải sẽ ngay lập tức bị tác động khó khăn. Để duy trì hoạt động và cạnh tranh, không ai khác chính các doanh nghiệp vận tải cần phải nỗ lực nhiều hơn, trước khi cần đến sự hỗ trợ của nhà nước. Dịch Covid-19 một lần nữa đã khẳng định rằng, vai trò của công nghệ và chuyển đổi số là rất quan trọng đối với quản trị doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp vận tải cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các giải pháp phần mềm vào quản lý, vận hành, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí.
Ngọc Quỳnh