Nhờ mô hình nuôi tắc kè, anh Ngọc Văn Viên (sinh năm 1989, thôn Thượng, xã Long Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) thu lãi. Nhờ loài bò sát vốn là động vật hoang dã này mà anh Viên thu khoảng 500 triệu đồng/năm.
|
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Ngọc Văn Viên cho biết, đầu năm 2011, anh sang tỉnh Quảng Ninh tìm mua 140 cá thể tắc kè giống thương phẩm về nuôi sinh sản.
Anh Ngọc Văn Viên (bìa trái, thôn Thượng, xã Long Sơn, huyện Sơn Động) trao đổi kinh nghiệm gây nuôi sinh sản loài Tắc kè với Kiểm lâm Bắc Giang |
Do thiếu kinh nghiệm nuôi, lại là giống có nguồn gốc từ trong Nam, không phù hợp với khí hậu miền Bắc, nên sau vài tháng, toàn bộ số Tắc kè bị “xóa sổ” do dịch bệnh.
Thất bại, nhưng không bỏ cuộc, anh tìm tới các trang trại nuôi tắc kè các tỉnh lân cận để học hỏi kinh nghiệm; đồng thời, mua thêm sách về đọc để biết nguyên nhân và cách chữa bệnh ở loài vật nuôi mới này.
Quyết tâm tìm hướng chăn nuôi mới từ loài tắc kè
Cuối năm 2011, anh tới một trang trại nuôi tắc kè ở tỉnh Nam Định theo học kỹ thuật nhiều ngày, rồi mới quyết mua gần 100 cá thể tắc kè giống về gây nuôi sinh sản.
Cùng với đó, năm 2012, triển khai thực hiện theo đề tài “Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tắc kè huyện Sơn Động”, Phòng NNPTNT huyện Sơn Động hỗ trợ, cấp cho anh Viên 30 cá thể tắc kè giống để gây nuôi sinh sản.
Mặt khác, trong quá trình nuôi, anh Viên phát hiện giống tắc kè đã phân bố tại địa phương có giá trị dược liệu cao, lại đang hiếm trên thị trường, hiện đang được các hộ gia đình gây nuôi làm cảnh tại các xã vùng cao của huyện, anh đã tìm đến hỏi mua rồi về nhân giống.
Anh Viên chia sẻ: “Ban đầu trang trại chỉ có quy mô 20 m2, năm 2013, gia đình tôi đã đầu tư, xây dựng 1.000 m2... Hiện nay, đang nuôi hơn 3.000 cá thể tắc kè, gồm cả giống và thương phẩm, có lúc nhiều nhất lên đến 6.000 con tắc kè...".
Theo anh Ngọc Văn Viên, tắc kè thương phẩm xuất bán với giá từ 250.000 - 350.000 đồng/con, khách hàng mua chủ yếu về gây nuôi sinh sản hoặc làm dược liệu.
Thị trường tiêu thụ tắc kè ban đầu là trong tỉnh Bắc Giang và hiện nay đã mở rộng ra các tỉnh khác như Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Trang trại nuôi tắc kè của anh Viên không đủ nguồn tắc kè để cung cấp cho khách hàng. Mấy năm vừa qua, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Ngọc Văn Viên thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.
Anh Viên thổ lộ, nuôi tắc kè không giống như nuôi gia súc hay gia cầm. Khi nuôi tắc kè đòi hỏi quy trình chăm sóc phải nghiêm ngặt hơn như thức ăn phải sạch 100%
Chuồng nuôi tắc kè phải thông thoáng, đủ ánh sáng tự nhiên, mát, nhiệt độ chuồng vừa phải. Hàng tuần phải phun thuốc sát trùng và thường xuyên vệ sinh môi trường sạch sẽ thì tắc kè sẽ không bị mắc bệnh ngoài da, nhiễm khuẩn hay bị bệnh tiêu hóa.
Về nguồn thức ăn cho tắc kè, anh Viên tự nuôi dế mèn để cho tắc kè ăn. Theo anh Viên, với quy trình như vậy, anh chủ động được nguồn thức ăn, lại kiểm soát và không lo dịch bệnh, tắc kè sẽ khỏe mạnh, nhân đàn nhanh, đặc biệt là đỡ được một khoản chi phí không nhỏ.
Cũng theo anh Viên, mùa sinh sản của tắc kè từ thàng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Mỗi lứa 1 tắc kè mẹ sinh sản đạt từ 6 - 8 quả trứng
Tắc kè mẹ đẻ liên tục trong nhiều năm, sau 2 - 3 tháng thì trứng nở. Kinh nghiệm khi nuôi Ttắc kè là ngoài việc cung cấp đủ dế mèn, nước uống cho tắc kè.
Người nuôi tắc kè cần phải chú ý ghép đàn theo tỷ lệ 1 đực với 4 cái/chuồng nuôi; khi đó, tắc kè mới sinh sản tốt, từ đó sẽ nhân đàn nhanh.
Tắc kè thương phẩm tại trại nuôi của anh Ngọc Văn Viên, thôn Thượng, xã Long Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. |
Anh Ngọc Văn Viên cho biết, từ ngày thành công với nghề nuôi tắc kè, anh không nhớ đã giúp đỡ, bán giống cho bao nhiêu hộ trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Bắc Giang.
Những người được anh giúp đỡ nuôi tắc kè đến nay đều có thu nhập ổn định. Đáng chú ý phải kể đến anh Hoàng Văn Vui, trú tại thôn Thượng, xã Long Sơn, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Bị dị tật chân bẩm sinh, tưởng rằng không thể hòa nhập với xã hội, nhưng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ giống, kinh nghiệm của anh Viên; hiện nay, anh Vui đã tự “đứng lên” làm giàu cho mình, có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm nhờ nghề nuôi tắc kè.
“Vừa qua, tôi đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Tắc kè đen Ngọc Viên; đồng thời, đầu tư kinh phí khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc, dây chuyền chế biến tắc kè thành các sản phẩm như: Cao Tắc kè, Bột Tắc kè khô, Rượu tinh chất Tắc kè; với mục tiêu tạo sản phẩm thương hiệu đặc trưng địa phương, rồi dự tính sẽ xuất khẩu...".
Cùng với đó, anh Viên tiếp tục phát triển các trang trại nuôi tắc kè vệ tinh trong và ngoài tỉnh Bắc Giang, sau đó bao tiêu hết tắc kè thương phẩm, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào để chế biến các sản phẩm tại Công ty.
Với những nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ trong hướng phát triển kinh tế mới, gắn với bảo tồn động vật hoang dã, anh Viên vinh dự được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tặng, thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Cụ thể, năm 2013, UBND huyện Sơn Động chứng nhận anh Ngọc Văn Viên đạt danh hiệu gương thanh niên Sơn Động tiêu biểu lần thứ IV. Năm 2014, BCH Đoàn tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen cho anh Viên vì đã có thành tích tiêu biểu trong tham gia phát triển kinh tế. Năm 2016, UBND huyện Sơn Động tặng Giấy khen cho anh Viên đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Năm 2017, BCH Đoàn huyện Sơn Động chứng nhận anh Viên đạt danh hiệu công dân Sơn Động trẻ tiêu biểu. Đặc biệt, năm 2017, BCH Đoàn tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen, trao giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp” tỉnh Bắc Giang năm 2017. |
Theo Dương Đại Tiến (Chi cục Kiểm lâm/Dân Việt)