Lộc Lâm xanh những vườn dâu


Lộc Lâm, vùng đất xa của huyện Bảo Lâm đang dần chuyển mình. Thung lũng nhỏ nằm giữa những đồi núi vốn quen với cây bắp, cây cà phê đang dần xanh màu xanh nõn nà của cây dâu tằm. Trồng dâu nuôi tằm đang phát triển ở vùng đất này, mang lại một hướng thoát nghèo hiệu quả cho người dân Lộc Lâm.
 
Ông K’Sám trao đổi kỹ thuật trồng dâu với anh Điểu Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã
Ông K’Sám trao đổi kỹ thuật trồng dâu với anh Điểu Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã
 
Ông K’Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm cung cấp, toàn xã hiện có 2.800 khẩu, trong đó có tới 83% dân cư là người Mạ. Diện tích đất sản xuất của Lộc Lâm được xếp vào loại thấp, chỉ có 800 ha. Lộc Lâm xa trung tâm, xã lại nằm trong núi, là đường cụt không thông với địa phương khác nên thực sự hoạt động buôn bán giao thương khá khó khăn. Cư dân xã quen trồng cây cà phê, có nhà trồng thêm lúa, thêm bắp. Được sự hỗ trợ của Nhà nước nên người Lộc Lâm không còn đói, nhưng cái nghèo thì vẫn còn. Ông K’Giáp chia sẻ: “Lộc Lâm ít đất sản xuất nên dân còn khó khăn, toàn xã có 3,4% hộ dân được xếp vào hộ nghèo, cận nghèo còn lớn hơn nữa. Chúng tôi xác định phải thay đổi cơ cấu cây trồng, giúp bà con vươn lên từ chính đồng ruộng”.
 
Và cây trồng được chọn là cây dâu tằm. Trồng dâu nuôi tằm vốn là nghề truyền thống của người Kinh, được một số hộ mang vào Lộc Lâm thử nghiệm vài năm trước. Anh Nguyễn Thiều Dung, Thôn 1, xã Lộc Lâm là một trong những hộ nuôi tằm sớm. Nhà có hơn 2 sào dâu, anh nuôi 1-2 hộp trứng/tháng, thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập này giúp gia đình trang trải hầu hết các sinh hoạt, cho con tới trường, kinh tế gia đình thoải mái hơn hẳn. Và không chỉ vui mừng vì trồng dâu nuôi tằm mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình, anh còn tự hào vì cây dâu con tằm đang mở rộng ra toàn xã, nhất là nhiều gia đình bà con người Mạ cũng bắt đầu trồng dâu nuôi tằm. Anh Dung cho biết: “Trong Thôn 1 cũng đã có nhiều hộ bà con người Mạ nuôi tằm. Nhiều bà con ở thôn khác còn nuôi rất đạt, như bà Ka Hoa ở Thôn 3 nuôi giỏi. Chúng tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho nhau, hỗ trợ giống, giống tằm”. 
 
Anh Điểu Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Lâm cho biết, định hướng cho bà con địa phương trồng dâu nuôi tằm là chủ trương của xã. Anh Hòa bảo, bà con người Mạ chưa quen với cây dâu con tằm. Vì vậy, xã đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, đưa bà con đi tham quan mô hình nuôi tằm của chính người Mạ ở các địa phương xung quanh. Được nhìn trong thực tế, thấy người Mạ cũng có thể thành công từ con tằm, người Mạ ở Lộc Lâm mới mạnh dạn chuyển đổi, đào gốc cà phê để trồng dâu, mua nong mua né. Hộ ông K’Sám, Thôn 1 cũng đang bắt đầu trồng dâu nuôi tằm. Ông K’Sám chia sẻ do gia đình mới bắt đầu nuôi nên thấy con tằm khó chăm. Tuy nhiên, vì cho thu rất nhanh nên gia đình học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất, kiên trì chăm dâu, chăm tằm.
 
Không chỉ động viên, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm, Lộc Lâm còn xác định đoàn kết nông dân trở thành tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Ông K’Giáp cho biết, trồng dâu nuôi tằm nếu không đoàn kết, chia sẻ thì sẽ gặp nhiều khó khăn cho bà con. Ngay như cây dâu, nếu có hộ vào vụ ăn rỗi mà thiếu dâu, lứa tằm chắc chắn sẽ không đạt năng suất. Vì vậy, xã tích cực hướng dẫn nông dân hợp tác. Từ chia sẻ giống dâu, dâu lá, tằm giống cho tới hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, ngừa bệnh, chữa bệnh… cho tằm, nông dân Lộc Lâm đang thực hiện khá tốt. Những hộ lân cận còn cho nhau mượn né, mượn các phương tiện nuôi tằm, giúp các hộ gia đình bớt chi phí mua sắm công cụ. Nhờ cây dâu con tằm, nhiều nông hộ đang dần vươn lên, có nguồn thu hàng tháng để chi trả sinh hoạt phí trong gia đình. Và đặc biệt, Lộc Lâm động viên, đồng hành cùng bà con Châu Mạ, giúp người Mạ quen với con tằm, quen với cây dâu, thoát nghèo từ nghề tằm tang.
 
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội