Sau tọa đàm“Thuế giá trị gia tăng với hoạt động thư tín dụng" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 11/5/2021, có sự tham dự của Lãnh đạo đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia và doanh nghiệp, gợi mở nhiều hướng xử lý đối với vấn đề gây áp lực tâm lý và gánh nặng tài chính liên quan đến quy định thuế GTGT với dịch vụ thư tín dụng, đến nay, ngân hàng và doanh nghiệp - 2 đối tượng điều chỉnh của quy định thuế, vẫn phải ngóng chờ Thông tư hướng dẫn để thực hiện.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, diễn giả thống nhất: Cơ quan thuế có hướng dẫn thực hiện thu thuế GTGT với L/C với mục tiêu phải tách ra hai phần (ảnh: Quốc Tuấn)
Sau Tọa đàm, Diễn đàn Doanh nghiệp đã ghi nhận toàn bộ thông tin kiến nghị của ngân hàng, doanh nghiệp, chuyên gia... và gửi công văn tới các cơ quan có thẩm quyền: Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Tài chính, thay mặt doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng sớm quan tâm, có hướng dẫn xử lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD ) và Doanh nghiệp. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, vẫn chưa có động thái nào chính thức từ Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đối với vấn đề này, trong khi các TCTD và Doanh nghiệp đang chung lưng cùng Chính phủ chống dịch COVID-19 và nguồn lực đang cạn kiệt dần, rất cần được tỏ rõ các quy định thuế có liên quan đến hạch toán chi phí, thậm chí phải "hồi tố" thuế.
Trước đó, ngày 22/4/2020 căn cứ văn bản số 1606/TCT-DNL, Tổng Cục Thuế đã có chỉ đạo các cục thuế địa phương: Từ thời điểm Luật các TCTD 2010 có hiệu lực (từ ngày 1/1/2011), L/C (Thư tín dụng) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định tại khoản 15 điều 4 Luật các TCTD 2010, sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Do vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương hướng dẫn các TCTD thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT. Toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011.
Thực tế, pháp luật thuế quy định các hoạt động tín dụng, cho vay, bảo lãnh không thuộc diện chịu thuế GTGT. Quy định này có từ năm 1997, cho đến nay, quy định này vẫn còn nguyên giá trị. Trước đây, trong các quy định về TCTD cũng không có quy định cụ thể về L/C. Tuy nhiên, từ năm 2010 khi Luật TCTD được ban hành (hiệu lực từ 1/1/2011) có quy định thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản (theo khoản 15, Điều 4). Nếu hiểu theo Luật thuế GTGT, nghiệp vụ này không phải là bảo lãnh tín dụng, không phải cho vay thì sẽ thuộc diện chịu thuế GTGT. Trường hợp L/C chứa đựng việc bảo lãnh có nghiệp vụ cho vay bắt buộc, các ngân hàng cũng hạch toán riêng và đưa vào diện không chịu thuế GTGT.
Thuế GTGT là thuế gián thu, nên việc hồi tố, truy thu thuế GTGT đối với dịch vụ thư tín dụng L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi. Bởi trong 10 năm qua, nhiều khách hàng của các TCTD có thể đã giải thể, phá sản, không còn tồn tại. Trường hợp các khách hàng đó vẫn còn tồn tại thì doanh nghiệp cũng đã công bố báo cáo tài chính có kiểm toán, đã quyết toán thuế, chia cổ tức cho cổ đông, nên không thể truy thu thuế GTGT đối với L/C. Hơn nữa, điều này sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp nhất là hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng phân tích: “Một nguyên tắc cơ bản của thuế GTGT là khi các tổ chức tín dụng kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra, các khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhập khẩu) sẽ được kê khai và khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng. Không ít trong số các doanh nghiệp này được hoàn thuế GTGT. Như vậy, triển khai thu thuế GTGT đối với các nghiệp vụ L/C từ năm 2011 đến nay sẽ làm tăng gánh nặng về hành chính cho cả các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và Cơ quan thuế, hệ thống Kho bạc trên toàn quốc, nhưng thu Ngân sách Nhà nước không tăng được bao nhiêu”.
Hiện nay các TCTD, doanh nghiệp lo lắng sẽ bị truy thu thuế là do các đơn vị này trong suốt một thời gian dài đã không tách bạch rõ từng vấn đề. Ông Nguyễn Văn Phụng Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn - Tổng cục Thuế cho biết, để giải quyết triệt để những vướng mắc, các quy định về Luật chuyên ngành cần có quy định rõ ràng cụ thể. Ví dụ như các ngân hàng nói rằng L/C là nghiệp vụ "lưỡng tính" thì cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định rõ phần nào thuộc về tín dụng, phần nào không thuộc về tín dụng để từ đó thì cơ quan thuế có thể thu đúng, thu đủ số thuế phát sinh. Khi văn bản pháp luật rõ ràng sẽ thuận lợi cho cả TCTD, doanh nghiệp và các cơ quan kiểm tra, giám sát.
Để hỗ trợ các TCTD và doanh nghiệp thực hiện đúng chính sách pháp luật về thuế, đại diện cơ quan thuế cũng đã nêu đề nghị trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, cần báo cáo ngay các cơ quan có thẩm quyền để được kịp thời tháo gỡ…
Được biết, NHNN đã sớm có văn bản gửi tới Bộ Tài chính để làm rõ và tách bạch liên quan tới nghiệp vụ L/C.
Vậy bao giờ Bộ Tài chính có quyết định, hay văn bản hướng dẫn các TCTD và doanh nghiệp để giải quyết vấn đề?
Trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phụng cũng cho biết, đang phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ và tách bạch phần thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C, với thời hạn sớm nhất sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn trong quí 2/2021.
Thời hạn của quý 2 nay đã đi qua nhưng các TCTD cũng như Doanh nghiệp vẫn phải ngóng đợi Thông tư hướng dẫn một cách "thắc thỏm"… Vậy đâu là thời hạn chót để họ được tiếp nhận một Thông tư cụ thể như cơ quan chức năng đã thông tin?
DĐDN sẽ tiếp tục phản ánh.