Thực phẩm đang chất đống thừa thãi tại nhiều nơi trên thế giới, nguyên nhân chính do các hãng vận chuyển chở rất nhiều container rỗng chứ không chịu chở hàng.
Cuộc cạnh tranh ráo riết trên toàn cầu để giành các container thép đồng nghĩa với việc Thái Lan không thể nào chở được gạo đi bán, Canada ngập trong các loạt hạt và Ấn Độ không thể xuất được đường. Việc chở container rỗng trở lại Trung Quốc mang lại nhiều lợi nhuận đến nỗi nhiều công ty xuất khẩu đậu tương Mỹ đang phải cạnh tranh giành container để có thể xuất được hàng sang các nước châu Á vốn đang quá cần mặt hàng này.
Giám đốc bộ phận vận tải tại IM-EX Global, ông Steve Kranig, nói: “Người dân tại nhiều nơi trên thế giới đang không thể có được thực phẩm trong khi họ đang vô cùng cần nó. Trước đây, một khách hàng của tôi mỗi tuần chuyển từ 8 đến 10 container gạo từ Thái Lan sang Los Angeles. Thế nhưng giờ đây mỗi tuần chỉ còn từ 2 đến 3 container”.
Nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này? Kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi nhanh từ sau đại dịch Covid-19, chính vì vậy nhu cầu xuất khẩu hàng đi các nơi tăng mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang sẵn sàng trả giá rất cao để có thể có được container. Lợi nhuận mà các doanh nghiệp vận tải thu về từ việc chuyển container rỗng về Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với việc họ vận chuyển hàng hóa thực tế.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chi phí vận tải tăng quá cao đang khiến cho chi phí của một số loại thực phẩm tăng. Trong tháng trước, giá đường tăng lên mức cao nhất trong 3 năm, ngoài ra, việc phía Mỹ chậm xuất được đậu tương sẽ có thể dẫn đến việc giá đậu phụ và giá sữa đậu nành tại châu Á sẽ tăng cao hơn, theo phân tích của giám đốc điều hành Liên minh Đậu tương và Ngũ cốc châu Á, ông Eric Wenberg.
Tất nhiên, trong hoạt động vận tải hàng hóa thông thường, có nhiều khi các hãng vận tải chấp nhận chở container rỗng về sau một chuyến hàng. Tuy nhiên, trường hợp như trên trong điều kiện bình thường chỉ là số ít bởi các hãng muốn kín hàng cả hai chiều để có thể thu phí vận tải cả hai chiều. Thế nhưng theo phân tích của Freightos, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ đắt gấp 10 lần chi phí của chiều ngược lại, chính vì vậy các hãng vận chuyển hiện tại cũng không mặn mà việc chở hàng chiều này.
Tại cảng Los Angeles – Mỹ, cảng vận tải container lớn nhất tại Mỹ, cứ 4 container từ Mỹ về Trung Quốc thì có đến 3 container rỗng, trong khi đó bình thường tỷ lệ này thông thường chỉ 30%, theo phân tích của một giám đốc doanh nghiệp vận tải.
Tại thành phố Vancouver – Canada, nhiều container rỗng chất đống chờ được vận chuyển đi. Thời gian vận chuyển container lên tàu đã được rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 7 tiếng để đảm bảo giao cho đối tác đã mua quyền vận chuyển hàng.
Ở nhiều nước, các doanh nghiệp xuất khẩu đang không thể xuất được hàng. Nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới - Ấn Độ chỉ xuất được 70.000 tấn đường trong tháng 1/2021, tỷ lệ tương đương chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của công ty Shree Renuka Sugars, ông Ravi Gupta.
Trên khắp thế giới, một số người mua thực phẩm đang chờ đợi, số khác buộc phải bỏ ý định mua bởi không thể mua được.
Trong khi đó, nhiều công ty vận tải biển đang lãi lớn. Đại diện doanh nghiệp IM-EX Global nói: “Tình trạng này đã kéo dài suốt từ tháng 12/2020, thế giới sẽ không chỉ thiếu thực phẩm mà còn thiếu quá nhiều thứ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sau này tôi được biết thông tin rằng nhiều hãng vận tải container lớn trong mùa vận tải 2021-2022 lãi gấp đôi so với năm trước đó”.
Nếu kịch bản trên thành sự thật, một khi người dân các nước Bắc Mỹ và châu Âu được tiêm vắc xin Covid-19, họ sẽ phải chấp nhận chi phí hàng hóa cao hơn khi họ tái sử dụng dịch vụ nhà hàng ăn uống và văn phòng.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus