Tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con nông dân các huyện Đô Lương, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn... đang tập trung nhân lực cấy vụ đông xuân. Dịp này, người dân nhiều địa phương đã tổ chức cấy đổi công luân phiên giúp nhau trong các xóm. Ảnh: Huy Thư
Do còn non, nên việc nhổ mạ gặp nhiều khó khăn. Thay vì nhổ bằng tay, một số người đã dùng liềm để cắt cả gốc. Trong cấy đổi công, chủ nhà thường đảm nhận khâu cắt mạ, vận chuyển mạ. Ảnh: Huy Thư
Trước khi cấy đổi công, chủ nhà phải chuẩn bị ruộng chu đáo. Tuy có máy dập, nhưng các thửa ruộng cạn nước còn mấp mô, lồi lõm nên nhiều hộ dân phải mang ván ra đồng cào, san rất vất vả. Ảnh: Huy Thư
Các nhóm đi cấy đổi công hình thành do nhu cầu thực tế mùa vụ. Họ là người trong cùng một tổ liên gia, một xóm... Mỗi nhóm thường tập hợp từ 5 - 15 người, thậm chí nhiều hơn. Do làm việc tập thể nên buổi cấy đổi công nào cũng vui nhộn tiếng cười. Ảnh: Huy Thư
Một cụ bà ở xã Nam Hưng (Nam Đàn) tích cực vận chuyển mạ về ruộng, phục vụ cho người cấy trên ruộng nhà mình. Ảnh: Huy Thư
Giữa mùa cấy, đàn ông, con trai thường lo cày bừa, nhổ mạ, phụ nữ thì lo cúi rạp trên ruộng cấy cho đều, cho nhanh. Nhiều nơi, con trai cũng đi cấy và cấy đẹp hơn cả phụ nữ. Một số gia đình không tham gia đổi công thì hai vợ chồng vẫn chăm chỉ cấy, hoàn thành các thửa ruộng. Ảnh: Huy Thư
Trong trường hợp chủ nhà neo người, đi cấy đổi công, nhiều khi không chỉ chuyên cấy mà còn phải đi nhổ mạ, vận chuyển mạ... Chị Nguyễn Thị Hiền (36 tuổi) ở xóm Cao Sơn, xã Nam Hưng (Nam Đàn) chia sẻ: “Mùa cấy năm nay, tôi tham gia đổi công với một số gia đình trong xóm. Đi cấy đổi công vui, ai cũng hăng hái, phấn khởi, làm việc cho nhanh hoàn thành, do đó mùa cấy vất vả đã qua đi nhẹ nhàng”. Ảnh: Huy Thư
Dẫu nông nghiệp đã có nhiều thay đổi, máy móc, cơ giới được áp dụng rộng rãi vào sản xuất, nhưng vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn khâu cấy thủ công. Mùa cấy nhọc nhằn, lam lũ đã gắn bó với người dân thôn quê tự bao đời. Ảnh: Huy Thư
Các nhóm cấy đổi công hoạt động suốt mùa cấy, hết giúp gia đình này lại đến giúp gia đình khác với yêu cầu mỗi hộ gia đình phải tham gia ít nhất 1 người. Tùy vào việc chuẩn bị ruộng, mạ, điều kiện của các gia đình có nhu cầu cấy đổi công mà nhóm sẽ quyết định giúp gia đình nào trước. Ông Lê Văn Nghĩa (60 tuổi) trú ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương) cho biết, gia đình ông làm 5 sào ruộng, mùa này vừa gieo, vừa cấy nên công việc tất bật, trong khi nhà chỉ có 2 vợ chồng già, con cái đều đi làm ăn xa không ai về được, may nhờ có tổ đổi công, nên chỉ xuống đồng 1 ngày đã xong vụ cấy. Ảnh: Huy Thư
Các nhà có ruộng thường lo bữa ăn trưa cũng như nước uống, hoa quả, bánh, kẹo... để bồi dưỡng cho nhóm đi cấy. Những người tham gia đi cấy đổi công cũng lao động nhiệt tình như làm việc cho chính nhà mình. Họ có thể ăn trưa ngoài đồng và nghỉ giải lao giữa buổi ngay trên bờ ruộng. Trong ảnh: Niềm vui của người dân đi cấy đổi công ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
Theo bà con, đi cấy đổi công cuối tháng Chạp nhằm giúp nhau hoàn thành vụ sớm để có thời gian chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Nhờ tinh thần tương hộ này mà mùa vụ trở nên nhanh gọp, kịp thời, không chỉ giảm chi phí sản xuất, khắc phục được tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, mà còn có ý nghĩa hơn khi người dân gắn bó, chia sẻ giúp đỡ nhau, phát huy tinh thần tương thân tương ái. Ảnh: Huy Thư
Vất vả mùa cấy. Video: Huy Thư |