'Cục nước đá' này to bằng cả Hà Nội, đó chính là lượng băng tan mỗi năm trên Trái Đất


Giả sử, nếu đặt khối băng này xuống Hà Nội, mặt cắt của nó hoàn toàn có thể phủ lên cả 12 quận nội thành. Một chiều khối băng này sẽ kéo dài từ giữa Hồ Tây đến Hồ Linh Đàm, chiều còn lại từ Quận Long Biên đến Quận Nam Từ Liêm. Và nó sẽ cao gấp 30 lần tòa nhà Keangnam.

Bất cứ ai từng đọc tin tức đều biết – băng trên Trái Đất đang tan. Tràn ngập mặt báo trong hàng thập kỷ qua là những con số ngoài sức tưởng tượng nói về lượng băng ở Bắc Cực tan chảy, lục địa Nam Cực mỏng dần, và ngay cả tuyết trên dãy Himalaya cũng đang biến dần thành nước.

Từ năm 1994 đến nay, mỗi năm Trái Đất đều mất đi 1,2 nghìn tỷ tấn băng. Nếu viết ra thành số, nó sẽ là 1.200.000.000.000 tấn. Nhưng làm thế nào để hình dung được lượng băng tan chảy đó lớn đến chừng nào?

Cục nước đá này to bằng cả Hà Nội, đó chính là lượng băng tan mỗi năm trên Trái Đất - Ảnh 1.

Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Leeds đã nghĩ ra một cách ấn tượng. Họ đã hợp tác với công ty đồ họa Planetary Visions tại Mỹ, để vẽ ra một khối nước đá 3D đại diện cho lượng băng tan chảy trung bình mỗi năm trên Trái Đất kể từ năm 1990.

Khối băng hình lập phương có cạnh dài 10 km sau đó được đặt lên trên nền thành phố New York, lấy từ một bức ảnh được phi hành gia NASA chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế. Kết quả là đây, một hình ảnh hết sức trực quan và sửng sốt:

Cục nước đá này to bằng cả Hà Nội, đó chính là lượng băng tan mỗi năm trên Trái Đất - Ảnh 2.

Như bạn có thể thấy, khối băng này đã chắn hết toàn bộ ánh nắng chiếu xuống Manhattan. Nó trải dài trên một vùng rộng lớn của New Jersey, từ sân bay Newark đến Jersey City.

Giả sử, nếu đặt khối băng này xuống Hà Nội, mặt cắt của nó hoàn toàn có thể phủ lên cả 12 quận nội thành. Một chiều khối băng này sẽ kéo dài từ giữa Hồ Tây đến Hồ Linh Đàm, chiều còn lại từ Quận Long Biên đến Quận Nam Từ Liêm. Và nó sẽ cao gấp 30 lần tòa nhà Keangnam.

Cục nước đá này to bằng cả Hà Nội, đó chính là lượng băng tan mỗi năm trên Trái Đất - Ảnh 3.

Hình minh họa khối băng nằm trong một dự án phụ lấy dữ liệu từ một nghiên cứu khoa học mới được công bố trên tạp chí Cryosphere ngày 1.2 vừa qua. Trong đó, một nhóm các nhà khoa học từ khắp Vương quốc Anh đã sử dụng các phép đo vệ tinh và mô hình khí hậu để theo dõi sức khỏe của băng quyển trên Trái Đất.

Trong khi hầu hết các nghiên cứu khác chỉ tập trung vào băng trên biển hoặc băng trên đất liền, bài báo mới đã xem xét cả hai để cho chúng ta có cái nhìn tổng quan nhất về lượng băng đã tan chảy do biến đổi khí hậu.

Kết quả cho thấy biển băng ở Bắc Cực là loại băng biến mất nhanh nhất trên hành tinh. Một con số đáng kinh ngạc: 7,6 nghìn tỷ tấn băng Bắc Cực đã tan chảy kể từ năm 1994 đến năm 2017. Tiếp theo là các thềm băng ở Nam Cực, nơi đã chứng kiến ​​6,5 nghìn tỷ tấn băng tan biến.

Đôi khi các vụ tan chảy hàng loạt ở đây còn diễn ra trên quy mô thảm họa. Ví dụ gần đây nhất là Iceberg A68, một tảng băng có kích thước bằng một nửa thành phố Hà Nội đã xé toạc thềm băng Larsen C vào năm 2017.

Kể từ đó, nó A68 bắt đầu một cuộc hành trình lang thang ở Nam Đại Tây Dương. Gần đây nhất nó đã có một cuộc đụng độ gần với một hòn đảo nhạy cảm về mặt sinh thái.

Cục nước đá này to bằng cả Hà Nội, đó chính là lượng băng tan mỗi năm trên Trái Đất - Ảnh 4.

Nhưng những tảng băng gãy không phải là hình thức thiệt hại duy nhất của băng quyển Trái Đất. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh không chỉ xem xét khu vực băng mà nó cũng nhìn vào khối lượng băng tổng thể.

Hóa ra, những tác động gây sốc nhất đối với các thềm băng đang xảy ra bên dưới bề mặt của chúng, nơi mắt thường và ảnh vệ tinh không thể nhìn thấy.

Các thềm băng nhô ra đại dương, giữ lại các sông băng trên các tảng băng trên đất liền. Nhưng ở Tây Nam Cực, các quan sát trực tiếp và vệ tinh cho thấy nước ấm đã ăn mòn các thềm băng ngay từ phía bên dưới, và cuối cùng có thể khiến chúng sụp đổ.

Nếu điều đó xảy ra, mực nước biển sẽ dâng lên rất nhanh và không ngừng trong nhiều thế kỷ. Băng ở Tây Nam Cực có thể nâng biển lên hơn 3 mét. 

Animation: Sông băng tan chảy như thế nào?

Các sông băng trên đất liền ở Alaska, Himalayas và những nơi khác cũng góp phần lớn vào việc làm tăng mực nước biển, cùng với đó là các sông băng và núi băng ở Greenland. Tất cả chúng đều đang biến mất với tốc độ đáng báo động.

Chẳng hạn, băng ở Greenland được cho là đang tan chảy nhanh gấp 6 lần so với thập niên 1990. Các nhà khoa học cho biết một số sông băng khổng lồ của Greenland chảy ra biển ở các cửa hút dốc là nơi xảy ra gần một nửa lượng băng mất mát của Greenland, tính từ năm 1992 đến 2017 khi bắt đầu có dữ liệu nghiên cứu.

Băng tan chảy khiến băng quyển giảm diện tích, do đó giảm phản xạ ánh nắng Mặt Trời. Từ đó, các vùng đất và vùng biển bên dưới mặt băng thậm chí càng ấm lên. Và sự ấm lên này lại khiến băng tan chảy nhanh hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn.

Hệ sinh thái nơi mà băng tan với tốc độ nhanh cũng bị đe dọa theo đó. Ở một số khu vực trên đất liền, băng tuyết là nguồn cung cấp nước ngọt chính, cho nên sự biến mất của chúng có thể gây ra những vấn đề cấp bách về môi trường sống.

Các vùng băng biển như Bắc Cực và Nam Cực cũng vậy, băng ở đây là nhà của nhiều loài động vật. Bên dưới đại dương cũng là một hệ sinh thái được che chở bởi băng. Tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng khi biển ấm lên và lớp băng trên mặt biển biến mất.

Cục nước đá này to bằng cả Hà Nội, đó chính là lượng băng tan mỗi năm trên Trái Đất - Ảnh 6.

Và băng tan mới chỉ là một phần trong hiệu ứng domino khí hậu đang xảy ra trên hành tinh chúng ta. Những hậu quả kéo theo đó sẽ là nước biển dâng, khi những cơn bão đẩy nước mặn sâu hơn vào đất liền, là xâm nhập mặn phá hủy mùa màng ở các đồng bằng châu thổ, là các thành phố bắt đầu chìm xuống dưới mực nước biển.

Đó là một ảnh hưởng không hề cân xứng, giống với cách chúng ta nhìn thấy khối đá khổng lồ này ở đây, trên thành phố New York như thể nó vừa xuất hiện từ địa ngục lên vậy.

Tham khảo Gizmodo, Mashable

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội