Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/2): BID, FPT và CTD


(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 3/2, bao gồm: BID, FPT và CTD.

Yuanta: Khuyến nghị bán cho BID, giá mục tiêu 37.300 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) vừa công bố lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 đạt 1.600 tỷ đồng, giảm 22% so với quý trước và giảm 43% so với cùng kỳ, do tăng trích lập dự phòng.

Lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 đạt 7.100 tỷ đồng, giảm 14,7% so với năm trước, hoàn thành 74% mục tiêu năm và 69% kết quả dự báo của Yuantan.

Công ty chứng khoán này cho rằng, BIDV tăng trích lập dự phòng đáng kể trong ba tháng cuối năm 2020, điều này đã bào mòn lợi nhuận. Nhưng Yuantan đánh giá việc làm này theo hướng tích cực, bởi vì nó giúp giảm tác động từ việc hình thành nợ xấu của các khoản vay được tái cơ cấu (thông thường có độ trễ nhất định) và khả năng hình thành nợ xấu mới có thể gia tăng trong năm 2021.

Tuy nhiên, Yuanta cho rằng, đối với cổ phiếu BID thì mức định giá vẫn cao. BID giao dịch tại mức P/B kỳ vọng năm 2021 là 1,8x so với mức trung vị ngành là 1,3x mặc dù ROE chỉ đạt 12% khi so với trung vị ngành là 16%.

BID hưởng lợi từ quy mô lớn và là ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, nhưng Yuanta cho rằng BID khó có thể so sánh với VCB (được khuyến nghị mua) về mặt chất lượng. Vì vậy, Yuanta duy trì khuyến nghị đối với BID, giá mục tiêu 37.300 đồng/cổ phiếu.

BVSC: Khuyến nghị tích cực cho FPT, giá mục tiêu 78.400 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 có khiến tăng trưởng của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) chậm lại trong năm 2020, tuy nhiên vẫn đánh giá rất cao những gì FPT đã đạt được trong giai đoạn này.

Theo kết quả kinh doanh quý IV/2020 và lũy kế cả năm vừa được FPT công bố, trong quý IV doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 8.667 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 983 tỷ đồng, tăng 30%.

Năm 2020, FPT đạt doanh thu thuần 29.830 tỷ đồng, tăng 7,6% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 3.537 tỷ đồng, tăng gần 13%.

Đặc biệt, giá trị hợp đồng ký mới tăng mạnh trở lại trong ba tháng cuối năm vừa qua, trong đó hợp đồng dịch vụ I.T nước ngoài tăng gần 36% và hợp đồng dịch vụ I.T trong nước tăng 56%. Cả năm 2020, giá trị hợp đồng của 2 mảng này đều tăng khoảng 23%.

Đáng chú ý, số lượng hợp đồng mega và semi-mega đều tăng mạnh thể hiện vị thế của FPT trên thị trường dịch vụ I.T toàn cầu đang ngày một vững chắc.

BVSC dự báo, FPT sẽ đạt mức doanh thu 34.513 tỷ đồng, tăng trưởng gần 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 4.213 tỷ đồng, tăng 19% trong năm 2021. Dự báo này dựa trên các tiêu điểm chính, bao gồm FSoft tăng trưởng tốt nhờ các hợp đồng ký cuối 2020; FPT viễn thông mở rộng ra vùng nông thôn với mô hình bán hàng thông qua đại lý trong khi mảng PayTV thoát lỗ giúp cải thiện biên lợi nhuận; FPT online hồi phục sau dịch; đầu tư mở rộng các hệ thống trường trung học, cao đẳng và đại học để duy trì mức tăng trưởng số lượng học sinh 30-40%/năm.

"Với những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng về số lượng cũng như quy mô các hợp đồng ký mới trong và ngoài nước, chúng tôi khá tự tin rằng FPT sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2021 theo đà hồi phục chung của kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu đầu tư cho công nghệ của các doanh nghiệp", báo cáo của BVSC nêu rõ.

Chính vì vậy, BVSC tiếp tục duy trì khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu FPT và nâng giá mục tiêu lên 78.400 đồng/cổ phiếu bằng phương pháp DCF.

VCSC: Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho CTD

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với các kết quả như sau: doanh thu thuần giảm 42% so với cùng kỳ năm trước (đạt 4.300 tỷ đồng) trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 60% (đạt 94 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong đó chi phí SG&A tăng mạnh trong quý IV/2020 do một khoản trích lập dự phòng được ghi nhận dưới khoản mục "dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi" lên tới 125,9 tỷ đồng so với con số không trong quý IV/2019 khiến tỷ lệ chi phí SG&A trên doanh thu tăng lên 5,2% trong quý IV/2020 so với khoảng 1,5% đến 3,7% trong giai đoạn 2018 - 2019.

Trong cả năm 2020, CTD báo cáo doanh thu đạt 14.600 tỷ đồng (giảm 38% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 463 tỷ đồng (giảm 35% so với năm trước). Doanh thu, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận gộp cả năm 2020 của CTD phù hợp với dự báo của VCSC.

Tuy nhiên, chi phí SG&A trong quý IV/2020 tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cả năm 2020 của CTD chỉ đạt 87% dự báo của VCSC. Ngoài ra, CTD cho biết lượng backlog vào cuối năm 2020 ở mức khoảng 10.000 tỷ đồng, phù hợp với kỳ vọng.

Nếu loại trừ ảnh hưởng của khoản dự phòng bất thường được trích lập trong quý IV/2020, kết quả kinh doanh cốt lõi năm 2020 của CTD phù hợp với kỳ vọng của VCSC.

Do đó, VCSC tiếp tục duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu CTD.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội