Tập đoàn Vingroup vừa có thông báo về việc ngưng đầu tư và chuyển giao toàn bộ Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang. Thời gian chuyển giao dự kiến diễn ra từ ngày 2/2 tới 1/3.
Theo đó, toàn bộ cơ sở vật chất của lò đào tạo này cùng các đội trẻ từ U12 tới U19 sẽ được trao tặng cho phía đối tác nhận chuyển giao. Tập đoàn Giáo dục Văn Lang sẽ tiếp tục vận hành, triển khai đào tạo trẻ, đảm bảo quyền lợi của những học viên PVF.
Chủ sở hữu Trường Đại học Văn Lang
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang là một trong những doanh nghiệp thành viên thuộc hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella (Capella Holdings).
Thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang, tập đoàn này hiện là chủ sở hữu Trường Đại học Văn Lang. Đây là một trong những trường đại học tư nhân đầu tiên tại TP. HCM.
Giữa năm 2020 vừa qua, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang cũng đã công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn.
Ngoài ra, tập đoàn này còn sở hữu đa số vốn tại Công ty TNHH US Talent International, chủ sở hữu và vận hành dự án trường liên cấp Quốc tế Nam Mỹ UTI tại TP.HCM. Đây là dự án nằm trong quần thể giáo dục Văn Lang xây dựng từ năm 2017, có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD chưa tính giá trị đất.
Ông Nguyễn Cao Trí được bầu vào vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang từ cuối năm 2020 vừa qua. Ảnh: VLU.
Dù không đảm nhiệm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Văn Lang, nhưng cá nhân ông Nguyễn Cao Trí đang đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội đồng trường.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào cuối năm 2020, cổ đông Công ty CP Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang bầu ông Trí làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc để thay thế cho ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch Hội đồng sáng lập trường.
Đến cuối năm 2020, chủ sở hữu Trường Đại học Văn Lang có vốn điều lệ trên 445 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu hàng năm của trường này chỉ khoảng vài chục tỷ đồng và mức lãi gộp dưới 10 tỷ/năm.
Bóng dáng đại gia bất động sản phía sau
Ông Nguyễn Cao Trí là đại gia có tiếng tại TP. HCM. Tập đoàn Giáo dục Văn Lang chỉ là một trong những khoản đầu tư của ông Trí vào lĩnh vực giáo dục.
Ngoài ra, ông Trí còn sở hữu nhiều doanh nghiệp, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là ẩm thực và giải trí.
Cụ thể, thông qua Capella Holdings, doanh nhân này hiện là chủ sở hữu nhiều quán bar lớn tại TP.HCM như Air 360 Sky Lounge, Chill Sky Bar, La Vie En Rose Live Music & Bar. Doanh nghiệp của ông Trí cũng sở hữu trung tâm hội nghị tiệc cưới Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Center và hệ thống nhà hàng San Fu Lou, Sorae, Dì Mai...
Doanh nhân này cũng là người đứng sau thương vụ Công ty TNHH Chloe Hospitality (Chloe Hospitality) nhận chuyển nhượng quyền quản lý tòa lâu đài Tajmasago và nhà hàng Cham Charm tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng từ doanh nhân Hoàng Khải (tức Khải Silk) năm 2018.
Khu chung cư hạng san The One Saigon do doanh nghiệp của ông Nguyễn Cao Trí là chủ đầu tư. Ảnh: BTG.
Cũng trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp của ông Trí là chủ đầu tư dự án Khu căn hộ hạng sang The One Saigon nằm đối diện chợ Bến Thành.
Hệ thống kinh doanh của ông còn tham gia cả vào lĩnh vực phân phối ôtô Hyundai; lĩnh vực kinh doanh sữa với Công ty Cổ phần Lothamilk (ông Trí là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc).
Ông chủ Tập đoàn Giáo dục Văn Lang còn tham gia lĩnh vực bóng đá từ đầu năm 2020 khi làm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển bóng đá Sài Gòn, chủ quản của Sài Gòn FC.
Ngoài ra, ông Trí còn là cổ đông và người có liên quan tới hàng loạt doanh nghiệp khác như Bến Thành Investment Group, Bến Thành Group, Tập đoàn VNA, Chợ Lớn Capital, AA VinaCapital, Văn Lang Bình Thuận, Capella Đồng Nai...
Tuy không nắm giữ vốn tại Tập đoàn Giáo dục Văn Lang nhưng những người thân và người có liên quan với ông Trí đang là cổ đông chính tại doanh nghiệp này. Trong đó, bà Bùi Thị Vân Anh (vợ ông Trí) nắm 40%, bà Đào Ngọc Bảo Phương (người có liên quan) nắm 30% và ông Nguyễn Cao Đức (em trai) nắm 30% còn lại.