Xuất khẩu năm 2020 sang EU giảm 12,77%
Trong báo cáo mới đây của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp công bố dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho hay, trong tháng 12/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 270 triệu USD, tăng 3,05% so với tháng 11/2020 và giảm 11,48% so với tháng 12/2019. Tính chung năm 2020, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường này đạt 3,08 tỷ USD, giảm 12,77% so với năm 2019.
Trong năm 2020, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU giảm, chủ yếu do xuất khẩu sang các thị trường Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Điển, Đan Mạch… giảm mạnh.
Năm 2021: Nhiều yếu tố trợ lực cho xuất khẩu dệt may sang EU |
Năm 2020, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU giảm 450,7 triệu USD so với năm 2019, chủ yếu do xuất khẩu nhiều chủng loại mặt hàng giảm như mặt hàng áo Jacket, quần, áo sơ mi, đồ lót… Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng áo Jacket, đồ lót, quần, áo sơ mi giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường EU. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu áo Jacket của Việt Nam sang EU đạt 841 triệu USD, giảm tới 152,5 triệu USD so với năm 2019, bằng 33,84% phần kim ngạch xuất khẩu giảm sang thị trường này. Tương tự mặt hàng đồ lót và quần cũng bằng 18,31% và 18,41% phần kim ngạch xuất khẩu giảm sang thị trường EU.
Đặc biệt, trong khi xuất khẩu hầu hết các chủng loại hàng dệt may thông thường của Việt Nam sang thị trường EU giảm thì xuất khẩu mặt hàng quần áo bảo hộ lao động (bao gồm cả đồ bảo hộ y tế) tăng cao trong năm 2020. Năm 2020, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU đạt 227,9 triệu USD, tăng thêm 72,49 triệu USD so với năm 2019, bằng 21,2% kim ngạch xuất khẩu giảm tất cả các mặt hàng, hỗ trợ vào việc làm chậm lại đà suy giảm xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU.
Nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang EU
Sang năm 2021, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song vẫn có những cơ hội để tăng trưởng. Nguyên nhân được đưa ra, trong bối cảnh nhu cầu về các chủng loại hàng may mặc thông thường đều có xu hướng chững lại, thì nhu cầu về các loại quần áo thể thao tiếp tục gia tăng, do hoạt động thể thao được người tiêu dùng EU tăng cường trong giai đoạn Covid-19, mở ra cơ hội tăng xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam sang EU thời gian tới. Mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng phong trào thể thao ở các nước thành viên EU vẫn diễn ra sôi động, đặc biệt là những phong trào thể thao cá nhân như chạy bộ, trượt tuyết, trượt băng…, do người dân nhận thức rõ được sự quan trọng của sức khỏe. Do đó, sản phẩm thể thao của Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang EU trong thời gian tới.
Báo cáo cũng nêu rõ, năm 2020, thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại EU vẫn được cải thiện so với năm 2019, là cơ sở vững chắc cho dự báo xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU khả quan trong thời gian tới, đặc biệt khi nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này hồi phục.
Theo số liệu của Eurostat, xét nhập khẩu hàng dệt may của EU từ thị trường ngoài khối, tỷ trọng nhập khẩu hàng dệt may của EU từ Việt Nam tăng từ 3,87% của 9 tháng đầu năm 2019 lên 3,92% trong 9 tháng đầu năm 2020. Còn nếu xét tổng nhập khẩu cả nội khối và ngoại khối, tỷ trọng nhập khẩu hàng dệt may của EU từ Việt Nam tăng nhẹ từ 2,0% lên 2,1% trong 9 tháng đầu năm nay.
EVFTA có hiệu lực vào ngày 01/8/2020 sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường EU. Với việc EU cắt giảm hơn 90% các dòng thuế của Việt Nam vào thị trường này, trong thời gian ngắn sẽ tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các sản phẩm trong lĩnh vực thể thao nói riêng có điều kiện thuận lợi để mở rộng thị phần tại EU, qua đó giúp đa dạng hóa thị trường.
Việt Nam ký thỏa thuận cộng gộp xuất xứ sản phẩm dệt may với Hàn Quốc sẽ giải quyết được khó khăn về nguyên liệu dệt may chất lượng cao và tận dụng cơ hội xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường EU.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo đó, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trong đó có các thành viên EU, các hoạt động giãn cách xã hội được tái áp dụng sẽ khiến cho nhu cầu về các loại hàng hóa không phải hàng thiết yếu giảm mạnh trong đó có các sản phẩm may mặc thời trang. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng không phải thiết yếu, ở nhiều thị trường lớn chưa có những tín hiệu tốt.
Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững lại.
Nguyễn Hạnh