Đội ngũ pháp lý quay lưng, cựu Tổng thống Trump thất thế?


(Baonghean.vn) -Ngay trước phiên tòa luận tội tại Thượng viện chỉ gần 10 ngày, 5 vị luật sư chính trong đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rời khỏi nhóm. Không còn các nhân vật kỳ cựu và kinh nghiệm sát cánh, ông Trump ngay lập tức phải thuê 2 luật sư mới để hỗ trợ ông trong cuộc chiến luận tội đang đến rất gần.

Thế nhưng, hai thành viên mới được đánh giá là đều đến từ các công ty luật nhỏ và có quan điểm trái ngược hoàn toàn với các cố vấn trước đây của ông Trump. Bối cảnh hiện nay đang cho thấy một tương lai không mấy sáng sủa của cựu Tổng thống ngay sau khi vừa mãn nhiệm.

Ai sẽ bảo vệ Trump?

Luật sư David Schoen và Bruce Castor là 2 nhân vật mới đầu quân cho đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống Donald Trump vào thời điểm chỉ còn ít ngày nữa là đến phiên luận tội tại Thượng viện. Thực tế, thời gian gấp gáp chỉ là phụ, việc tìm được những người chịu đứng ra “cãi lý” cho ông Trump lúc này mới là điều đáng quan tâm. Bởi không khó lý giải khi cả 5 vị luật sư kỳ cựu của cựu Tổng thống lại “quay lưng” vào đúng thời điểm gay cấn nhất. 5 cái tên gồm có Butch Bowers, Deborah Barbier, Josh Howard, Johnny Gasser và Greg Harris - những người giàu kinh nghiệm dường như đều xung đột về quan điểm với cựu Tổng thống Trump.

Theo một số nguồn tin, trong khi ông Trump vẫn muốn các luật sư bảo vệ quan điểm đã xảy ra các gian lận bầu cử hàng loạt, rồi cuộc bầu cử bị đánh cắp, thì các luật sư lại không có cùng quan điểm. Họ cho rằng, thực tế chỉ tập trung vào tính hợp hiến của việc kết tội một cựu Tổng thống sẽ dễ dàng giành chiến thắng hơn mục tiêu ban đầu của ông Trump.

Cựu Tổng thống Donald Trump trước phiên luận tội tại Thượng viện chuẩn bị diễn ra ngày 9/2. Ảnh: AP

Cho đến thời điểm này, chưa biết 2 luật sư mới gia nhập đội ngũ Trump là Schoen và Castor có chấp nhận quan điểm này của cựu Tổng thống Trump hay không, nhưng cả hai trong thông báo mới nhất đều nhất trí rằng, phiên luận tội tại Thượng viện tới đây là vi hiến.

Ông Schoen trong tuyên bố cũng nhấn mạnh rất vinh dự khi được đại diện cho vị Tổng thống thứ 45 và Hiến pháp của nước Mỹ. Bày tỏ lòng nhiệt thành hơn, luật sư Castor còn khẳng định đây là một đặc ân, và rằng, sức mạnh của Hiến pháp đang trải qua những thử thách chưa từng có trong lịch sử. Cần nhắc lại, luật sư Schoen có thế mạnh về các vụ án dân sự và cả hình sự. Trong khi đó, ông Castor dù không quá nổi tiếng nhưng cũng là một luật sư được biết đến khá nhiều ở Pennsylvania.

Trong một tuyên bố mới đây, người phát ngôn của cựu Tổng thống Donald Trump là Jason Miller đã không hề đề cập đến vấn đề khủng hoảng nhân sự của đội ngũ pháp lý. Thay vào đó, nhân vật này nhấn mạnh vào việc đa số các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã nhất trí rằng, việc luận tội một cựu Tổng thống là hành động vi hiến. Đây có thể là thông điệp báo hiệu sự “đảo chiều” trong  quan điểm của ông Donald Trump trong phiên luận tội sắp tới!

Nhiều cửa thắng?

Nhìn vào tình thế hiện nay, dư luận có thể thấy cựu Tổng thống Trump đang ở thế yếu trước phiên toàn luận tội sắp tới, khi bị các luật sư kỳ cựu quay lưng. Đây chẳng phải là cảm giác dễ chịu khi mới ngày 13/1 đầu năm, sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, với 232 phiếu ủng hộ và 197 phiếu chống, ông Trump trở thành Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội đến hai lần. Mặc dù vậy, phân tích về các kịch bản có thể xảy ra tại phiên luận tội tại Thượng viện, giới quan sát cho rằng, ông Trump vẫn có nhiều “cửa thắng”! Đơn giản, ông Trump chỉ có thể bị kết tội nếu 2/3 số thượng nghị sỹ ủng hộ nỗ lực này. Có nghĩa là ngoài 50 thượng nghị sỹ phe Dân chủ với thế đa số mong manh, phải có thêm 17 thượng nghị sỹ phe Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump. Thế nhưng có thực tế, dù không ưa nhưng phe Cộng hòa cũng không thể hoàn toàn “rũ bỏ” cựu Tổng thống.

Hai Luật sư David Schoen và Bruce Castor - 2 nhân vật mới trong đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Chẳng thế mà mới đây, báo chí đã đưa tin về cuộc gặp giữa ông Trump và Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy diễn ra tại Palm Beach, bang Florida cuối tháng 1 vừa qua. Đáng chú ý, hai nhân vật này đã thảo luận với nhau về chiến lược để giành lại thế đa số tại Hạ viện cho phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 tới đây. Ông Trump cũng cam kết sẽ giúp đảng Cộng hòa đạt mục tiêu này. Bất chấp sức ép từ một số thành viên trong đảng Cộng hòa phải từ bỏ ảnh hưởng của cựu Tổng thống Trump, ông McCarthy dường như vẫn đang tập trung vào những yếu tố có thể giúp phe Cộng hòa giành lại Hạ viện.

Giới quan sát bình luận, dù không ít thành viên đảng cộng hòa điển hình như Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell đã quay lưng với ông Trump, 10 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ bản luận tội ông Trump thì có một thực tế là, phe Cộng hòa vẫn cần đến sự ủng hộ và sức ảnh hưởng của cựu Tổng thống.

Vì thế, các thành viên chủ chốt đảng Cộng hòa sẽ phải tham gia “một vai diễn khó” khi vừa phải kêu gọi sự ủng hộ của ông Trump, từ đó gây quỹ ủng hộ cho đảng nhưng cũng không được quá vồ vập, thân thiết để tránh những quan điểm cứng rắn, liên tục chĩa mũi dùi và cáo buộc vào cựu Tổng thống. Bởi McCarthy và đội ngũ của ông vẫn đang phải sử dụng trang web gây quỹ từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm sau 2022 bằng tên miền là “Trump’s Majority”.

“Hâm nóng” căng thẳng nội bộ

Kịch bản được nói đến nhiều nhất lúc này là các thượng nghị sỹ phe Cộng hòa tại Thượng viện sẽ bỏ phiếu để tuyên bố ông Donald Trump trắng án, không phải về vấn đề cựu Tổng thống có tội hay không, mà là việc ông Trump có nên bị luận tội và kết tội theo cách này hay không. Đây được cho là cách tốt nhất cho các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa - những người ban đầu lên án bạo lực nhưng đến nay lại không muốn mất những người ủng hộ ông Trump bằng các lá phiếu ủng hộ luận tội.

Chính những mâu thuẫn nội tại này đang tạo ra các rạn nứt sâu sắc trong chính nội bộ phe Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện, chứ chưa nói đến phe Cộng hòa và phe Dân chủ. Trong khi đó, lường trước khả năng ông Trump được trắng án, cũng có nghĩa mục tiêu “loại bỏ tư cách trở thành Tổng thống” không thành hiện thực, phe Dân chủ đã phải chuẩn bị một số phương án dự phòng. Có thể kể đến một nghị quyết để khiển trách việc ông Trump kích động cuộc bạo loạn ngày 6/1, hay sử dụng các quy định của Tu chính án thứ 14 nhằm loại bỏ tư cách Tổng thống trong tương lai nếu ông Trump có ý định tái tranh cử.

Phe Dân chủ cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump kích động cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1. Ảnh: Getty

Chưa biết cán cân, kết quả cuộc luận tội tại Thượng viện ra sao, nhưng vô tình, chính sự kiện lịch sử này lại đang xới lên một trong những thách thức lớn nhất đối với tân Tổng thống Joe Biden. Với cam kết đoàn kết nước Mỹ vượt qua khủng hoảng, chính cuộc luận tội này đang một lần nữa đang đặt ông Biden vào thế khó ngay đầu nhiệm kỳ.

Đó là hàn gắn nước Mỹ, dập tắt chia rẽ đảng phái. Mặc dù ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã nỗ lực ký một loạt sắc lệnh hành pháp để đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, vừa tập trung vào các biện pháp để giành sự ủng hộ của cả hai đảng, như các biện pháp tăng tốc phân phối vaccine, kế hoạch mở cửa lại trường học, tăng cường an ninh lương thực trong mùa dịch... Thế nhưng, “vết hằn chia rẽ” đã ăn sâu trong lòng nước Mỹ sẽ khó lòng được hàn gắn chỉ bằng một vài sắc lệnh hay chiến dịch ngắn hạn.

Thậm chí có ý kiến đặt câu hỏi về tính cần thiết của phiên tòa luận tội ông Trump, khi gần như đã biết chắc kết quả. Nếu không diễn ra, tân Tổng thống Biden cũng sẽ tránh được kịch bản bỗng nhiên tạo cơ hội “lên sóng dư luận” cho ông Trump một cách công khai để khuấy động những rạn nứt và mâu thuẫn trên chính trường Mỹ. Đây chắc chắn là điều mà ông Biden không hề mong muốn!

Tags: Donald Trump
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội