Phát triển thị trường khí hóa lỏng: Xây dựng hệ thống phân phối hiện đại, đồng bộ


Do nhu cầu sử dụng khí hóa lỏng (LPG) ngày càng cao, việc xây dựng hệ thống phân phối khí hiện đại, đồng bộ là rất cần thiết. Hệ thống không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp mà còn hình thành thị trường LPG bền vững.

Tăng trưởng nhanh

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hải Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội khí Việt Nam - cho biết, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng LPG những năm gần đây cũng tăng trưởng 8-10%/năm. Cùng với sự tăng trưởng đó, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp cũng phát triển theo với con số hơn 15.000 cửa hàng kinh doanh. Hệ thống phân phối phát triển đã cung cấp sản phẩm khí hóa lỏng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng, kịp thời, kể cả ở các vùng núi xa xôi, vùng sâu, vùng xa…

Hoạt động kinh doanh gas còn nhiều bất cập
Hoạt động kinh doanh gas còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống này còn rất thô sơ, chủ yếu dựa vào yếu tố con người trong quá trình giao nhận, dẫn đến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó trưởng Phòng Thương mại dầu thô và Sản phẩm - Ban Thương mại Dịch vụ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - lý giải, nguyên nhân một phần là do tập quán sinh sống và tiêu dùng của người Việt Nam. Ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, các ngôi nhà dân nhiều và chưa tập trung nên để đưa gas đến tận tay người tiêu dùng còn khó khăn.

Bên cạnh đó, đối với các khu chung cư cao tầng ở Việt Nam, việc lắp đặt hệ thống gas trung tâm làm tăng vốn của chủ đầu tư, trong khi hệ thống văn bản quy định về hoạt động này chưa đồng bộ, hành lang pháp luật cho phòng cháy chữa cháy còn khó khăn nên nhiều chủ đầu tư không lựa chọn. Một số hãng gas hay công ty kinh doanh gas đã hướng đến việc quản lý chất lượng thông qua app sản phẩm hoặc tem định vị nhưng việc đó cũng chưa đồng bộ.

Chung tay hoàn thiện hệ thống phân phối

Phát triển hệ thống phân phối LPG hiện đại, đồng bộ, hiệu quả là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Để làm được việc này, ông Nguyễn Hải Long cho rằng, cần hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần áp dụng các công nghệ quản trị toàn diện như hệ thống quét mã QR code hoặc mã quét số seri để kiểm soát hàng chính hãng, tránh việc nhập nhèm, cắt tai, mài vỏ bình để chiếm đoạt vỏ bình gas, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Đồng ý kiến, bà Nguyễn Thị Thu Trang kiến nghị, khi quy hoạch đô thị và quy hoạch nhà cao tầng thì hệ thống gas trung tâm hiện đại, an toàn cũng phải được quy hoạch tương ứng để đảm bảo an toàn, tiện lợi, hiện đại cho người sử dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục rà soát xem xét Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí, bởi sau một thời gian có hiệu lực, Nghị định này bộc lộ nhiều yếu tố bất cập cần sửa đổi. Đối với doanh nghiệp, trong ngắn hạn, cần nâng cao chất lượng toàn diện cho sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và quản trị doanh nghiệp, trong đó có hiện đại hóa hệ thống phân phối. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng yêu cầu về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, dịch vụ này.

Thị trường LPG tại Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong giai đoạn gần đây (khoảng 10%/năm) so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới và khu vực (khoảng 4%/năm).

Phương Lan

Bài liên quan

Đề xuất điều kiện ủy quyền cấp C/O

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định nghĩa vụ, trách nhiệm và điều kiện đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ...
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội