Kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đã thể hiện rõ mong muốn tham gia CPTPP - hiệp định mà 11 quốc gia thành viên, bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam.
Nếu được chấp nhận tư cách thành viên, Anh sẽ trở thành nước đầu tiên ngoài nhóm quốc gia đàm phán ban đầu của CPTPP. Động thái này không chỉ giúp Anh dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường EU mà còn được đánh giá là nhằm nhiều mục tiêu chiến lược khác.
Lợi ích kinh tế đối với Anh
Sau khi Bộ trưởng Ngoại thương Vương quốc Anh, bà Liz Truss thông báo việc chính phủ Anh sẽ đệ đơn xin gia nhập CPTPP, giới doanh nghiệp nước này đã lập tức lên tiếng hoan nghênh. Theo thông tin do Phòng thương mại và công nghiệp Anh cung cấp, nếu đàm phán thành công, Anh sẽ được tự do tiếp cận với một trong những khối thị trường lớn nhất toàn cầu, có tổng GDP lên tới trên 13,5 nghìn tỷ USD và là nơi tập trung những nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu thế giới.
Trong năm 2019, tức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại giữa Anh với các nước trong CPTPP đạt 110 tỷ bảng Anh, tương đương trên 150 tỷ USD và từ năm 2016 thì kim ngạch này liên tục tăng với mức khoảng 8%/năm. Vì thế, việc gia nhập CPTPP chắc chắn sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại của Anh với 11 nước CPTPP cao hơn nữa.
Về cụ thể, nếu gia nhập CPTPP, các doanh nghiệp Anh sẽ được hưởng nhiều lợi thế như giảm được đến khoảng 95% thuế quan hiện nay trong trao đổi thương mại với 11 nước CPTPP với rất nhiều mặt hàng như xe hơi, rượu whisky hay thực phẩm. Ngoài ra, quy định về xuất xứ hàng hóa cũng sẽ giúp Anh hưởng lợi khi các sản phẩm, hoặc thành phần sản phẩm được sản xuất tại 11 nước CPTPP sẽ coi như chung xuất xứ. Việc này có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất xe hơi Anh sử dụng nhiều hơn nguyên liệu từ các nước trong CPTPP mà vẫn coi là sản xuất tại Anh. Tiếp đến, việc gia nhập CPTPP cũng sẽ giúp đơn giản hóa việc đi lại làm ăn giữa các nước, đơn giản hóa việc xin và cấp thị thực.
Không sai lầm khi rời EU
Bộ trưởng Ngoại thương Anh Liz Truss thông báo kế hoạch gia nhập CPTPP của Anh vào một thời điểm mang tính biểu tượng rất cao, ngày 31/01/2021, tức đúng 1 năm sau khi nước Anh rời Liên minh châu Âu trên lý thuyết vào ngày 31/01/2020, không tính giai đoạn quá độ đến hết năm 2020. Vì thế, trong bối cảnh quan hệ Anh-EU đang căng thẳng vài ngày qua xung quanh vấn đề vaccine Covid-19 đây có thể coi là một thông điệp từ phía chính phủ Anh khẳng định lại quyết tâm của nước này theo đuổi chính sách thương mại tự do toàn cầu “Britan Global” sau khi rời EU, tức việc nước Anh được tự do đàm phán ký kết các hiệp định thương mại với tất cả các nước trên thế giới. Trước khi công khai ý định gia nhập CPTPP thì Vương quốc Anh cũng đã đẩy mạnh việc ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều nước khác trong thời gian qua, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Do đó, đây là một bước đi nữa của chính phủ Anh nhằm khẳng định rằng họ đã không sai lầm khi rời khỏi EU.
Tất nhiên, lý do kinh tế vẫn mang tính quyết định bởi nước Anh dù cách xa nước thành viên CPTPP gần nhất đến gần 5.000 km và về mặt địa lý thì không có liên quan gì đến vành đai Thái Bình Dương nhưng nước này cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội gia nhập vào một thị trường rộng lớn, năng động với trên 500 triệu dân, GDP trên 13,5 nghìn tỉ USD, chiếm đến 13,5% GDP toàn cầu và được dự báo sẽ là động lực chính của kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Thực tế thì không chỉ Anh mà hầu như tất cả các cường quốc trên thế giới đều muốn tiếp cận thị trường khu vực này.
Cuối cùng, về sâu xa, việc Anh muốn gia nhập CPTPP còn dựa trên những tính toán địa chính trị của nước này. Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ CPTPP năm 2017 dù Mỹ là nước khởi động sáng kiến này, CPTPP mất đi một nhân tố quan trọng nhưng với việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống, khả năng nước Mỹ quay lại CPTPP là không nhỏ, bởi lẽ ông Joe Biden chính là Phó Tổng thống Mỹ trong chính quyền Barack Obama vốn vận động mạnh mẽ nhất cho hiệp định này.
Nước Anh muốn quay lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương không chỉ về mặt kinh tế mà còn về địa chính trị cùng với chính quyền mới của Mỹ trong một tính toán chiến lược dài hơi hơn, bởi lẽ trong đánh giá của giới phân tích phương Tây thì ngoài lợi ích kinh tế, CPTPP còn được coi như là một công cụ để kiềm chế quyền lực đang ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhận thức này trong giới chính trị gia tại Anh được thể hiện công khai, bởi ngay sau khi bà Liz Truss công bố việc Anh xin gia nhập CPTPP thì Công đảng đối lập đã lên tiếng thắc mắc là liệu chính phủ Anh có đảm bảo là nếu gia nhập CPTPP trước thì liệu nước Anh có quyền phủ quyết nếu Trung Quốc muốn gia nhập hay không. Trong năm 2020, Anh đã có công khai kế hoạch gửi tàu chiến đến châu Á-Thái Bình Dương để cùng các đồng minh thách thức Trung Quốc và việc xin gia nhập CPTPP là một bước đi tiếp theo trong chiến lược này.
Ý nghĩa đối với khối CPTPP
Anh là nền kinh tế lớn của châu Âu và thế giới với GDP trước đại dịch Covid-19 khoảng trên 2,8 nghìn tỷ USD. Vì thế, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp cho khối này gia tăng sức mạnh, thúc đẩy trao đổi thương mại. Tuy nhiên, hiện nay Anh đã có các thỏa thuận thương mại tự do với các thành viên của CPTPP nên tác động của việc Anh gia nhập CPTPP sẽ không phải là một sự đột phá.
Có một vấn đề, đó là ngoài các lợi ích rõ ràng về thương mại mà tất cả các bên đều có thể đạt được, cần phải cân nhắc rất kỹ các khía cạnh địa chính trị của sự kiện này. Trong 11 nước CPTPP hiện có Australia, New Zealand, Canada và nếu sắp tới Anh gia nhập và Mỹ quay lại thì khối này sẽ có 5/12 nước thành viên là những nước thuộc Liên minh “Ngũ nhãn” (Five Eyes) với chính sách đối đầu và chống Trung Quốc rất quyết liệt. Trong bối cảnh đó, nguy cơ CPTPP bị chính trị hóa và biến thành một liên minh chống Trung Quốc công khai là điều không thể loại trừ.
Nếu như thế, đây có thể sẽ là yếu tố tiềm ẩn gây nên bất ổn và căng thẳng địa chính trị trong khu vực khi các nước bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc.
Tháng 11/2020, dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nước châu Á-Thái Bình Dương cũng đã ký Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực - RCEP để tạo nên một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, gồm 15 nước thành viên bao gồm cả Trung Quốc, chiếm 45% dân số và 40% thương mại toàn cầu. Vì thế, cần phải hết sức thận trọng trước các ý định tạo nên các khối cạnh tranh, xung đột lợi ích. Tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, đều mong muốn thúc đẩy thương mại tự do, phát triển kinh tế để đảm bảo hòa bình, nhưng cũng phải cảnh giác trước nguy cơ bị lôi kéo và tạo nên các khối bao vây, đối đầu nhau như thời Chiến tranh Lạnh./.