Rau sạch Thống Nhất vươn xa nhờ liên kết chuỗi


Các mô hình liên kết trồng rau sạch theo chuỗi giá trị đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Sản xuất sạch cũng là chìa khóa giúp người dân của huyện mở cửa thị trường, đưa nông sản vươn xa.

Với tổng diện tích trên 540 ha trồng rau, tập trung ở các xã Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3..., huyện Thống Nhất đang tích cực xây dựng các mô hình trồng rau sạch theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, nhằm đưa sản phẩm đến nhiều nơi trong cả nước.

Hiệu quả của hướng đi đúng xu thế

Để đạt được mục tiêu tìm hướng đi mới cho nông sản của địa phương, nhiều nông dân trồng rau ở huyện Thống Nhất đang nỗ lực xây dựng mô hình trồng rau theo hướng VietGAP và tạo chuỗi cung ứng khép kín từ khâu trồng, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả sạch.

rau-sach-huyen-Thong-Nhat-3610-161217246

Sản xuất sạch giúp nâng cao hiệu quả trồng rau (Ảnh TL). 

Một trong những vùng rau có sản lượng lớn của huyện hiện phải kể đến cánh đồng rau Tân Yên (xã Gia Tân 3) với diện tích 165 ha.

Để vùng rau phát triển bền vững, huyện đã triển khai đầu tư, nâng cấp đường giao thông, hệ thống kênh mương, điện về tận cánh đồng đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện đại cho các hộ nông dân.

Đặc biệt, với sự đồng hành của HTX rau sạch Tân Yên, trong những năm gần đây, hầu hết các hộ nông dân trồng rau của xã Gia Tân 3 đều tuân thủ quy trình sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Đơn cử, trong quá trình canh tác, các hộ tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian cách ly) khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật luôn được tuyển chọn kỹ lưỡng theo danh mục cho phép. Các loại hợp chất vi sinh, phân chuồng hoai mục được người sản xuất địa phương ưu tiên sử dụng.

Nếu xã Gia Tân nổi tiếng với rau màu thì xã Gia Kiệm lại đang có được nhiều thành công với rau cần VietGAP. Những năm qua, diện tích trồng rau cần nước tại xã Gia Kiệm luôn tăng dần theo mỗi năm (đạt trên 40 ha vào năm 2014, nay là 51 ha).

Ông Hoàng Văn Khanh, nông dân trồng cần nước tại xã Gia Kiệm cho biết, toàn xã hiện có khoảng 110 hộ đang canh tác. Trung bình mỗi ngày, xã cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau cần nước.

Đẩy mạnh liên kết

Để phát triển mô hình trồng rau cần theo hướng hiện đại, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Gia Kiệm đã liên kết thành lập HTX rau cần nước Gia Kiệm.

nong-san-sach-huyen-Thong-Nhat-6472-1612

Rau cần nước huyện Thống Nhất được ưa chuộng trên thị trường nhờ sản xuất sạch (Ảnh TL).

HTX rau cần nước Gia Kiệm hiện có 20 thành viên, phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, tạo ra những sản phẩm có chất lượng vượt trội, đáp ứng yêu cầu cao của thị trường, đặc biệt là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong nước. HTX cũng đang hướng tới xuất khẩu.    

Theo đại diện Phòng NN&TNT huyện Thống Nhất, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, huyện có tiềm năng rất lớn về phát triển cây rau. Theo đó, trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, huyện khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo chủ trương của tỉnh.

Hiện, huyện đang hỗ trợ các HTX thực hiện các thủ tục làm rau VietGAP cho rau cần và xếp hạng sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho vùng rau Tân Yên.

Huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đưa nông sản của mình vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm nông sản địa phương, tìm đầu ra ổn định tại những thị trường lớn, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng rau Thống Nhất.

Cùng với đó, huyện cũng tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX, tổ hợp tác để hình thành các chuỗi giá trị, tạo ra hiệu quả bền vững cho các hộ sản xuất.

Hưng Nguyên   

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội