Trong tháng 1, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới S21 và do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm trước rơi vào tháng 1.
Xuất khẩu hàng hóa tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ |
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%; thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,9%; Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,2%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2020 đạt 27,905 tỷ USD, cao hơn 405 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 01/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Một có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 12/2020 nhập siêu 252 triệu USD; năm 2020 xuất siêu 20 tỷ USD.
Thành tích xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì từ kết quả của năm 2020. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.
Trong thành tích chung của xuất nhập khẩu, một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là các FTA như CPTPP, EVFTA thời gian qua đã được DN tận dụng khá tốt. Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành chỉ rõ, mặc dù EVFTA trước khi triển khai cũng có nhiều người lo ngại sẽ không mang lại hiệu quả tích cực ngay lập tức như mong đợi, lý do là sự sẵn sàng của DN chưa tốt. Song sau vài tháng triển khai, tỷ lệ DN biết để áp dụng FTA này vào hoạt động sản xuất kinh doanh là tương là tốt. Đã có vài chục nghìn bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp để tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Cùng với việc CPTPP cũng được tận dụng tương đối hiệu quả, đây là điểm tích cực.
Thời gian tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch Covid-19, nâng cao và nâng tầm hình ảnh sản phẩm, thương hiệu sản phẩm.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt trong dịch Covid-19 vừa qua thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động hỗ trợ của Chính phủ định hướng, hướng dẫn đào tạo doanh nghiệp… Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA.
Bảo Ngọc