Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu đạt 913 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2019. Nguồn thu chủ yếu của HAG vẫn đến từ mảng trái cây với doanh số 538 tỷ đồng, tăng 66% nhờ diện tích thu hoạch được mở rộng.
Doanh nghiệp của bầu Đức cũng lần đầu tiên ghi nhận doanh số từ kinh doanh heo, đạt hơn 120 tỷ đồng. Được biết, trong ba tháng cuối năm, HAG đã hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty Chăn nuôi Gia Lai, sau khi hoán đổi nợ khó đòi tại doanh nghiệp này thành cổ phần, qua đó trở thành công ty mẹ.
Mặc dù doanh thu tăng trưởng, tuy nhiên do bán hàng dưới giá vốn, HAG vẫn lỗ gộp đến 168 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 12 tỷ đồng.
Điểm sáng le lói trong bức tranh ảm đạm của HAG đến từ khoản doanh thu tài chính, tăng gấp rưỡi lên mức 783 tỷ đồng, nhờ việc thanh lý các khoản đầu tư. Cùng với đó, chi phí tài chính cũng giảm khá mạnh, từ mức 941 tỷ đồng xuống 503 tỷ đồng, tức giảm 47%.
Một điểm đáng lưu tâm, đó là trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, ban điều hành của HAG đã quyết định rà soát số liệu quá khứ liên quan đến ước tính và dự phòng giá trị thu hồi các khoản phải thu trên nguyên tắc thận trọng.
Theo đó, doanh nghiệp của bầu Đức đã điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 bằng cách trích lập dự phòng các khoản phải thu tồn đọng. Việc này nhằm giúp báo cáo năm 2020 không phải tiếp tục nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán về khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn như 2 năm trước.
Thế nhưng, hậu quả là chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác tăng rất mạnh sau khi trích lập dự phòng, dẫn đến việc HAG báo lỗ sau thuế tới 1.525 tỷ trong ba tháng cuối năm vừa qua.
Lũy kế năm 2020, trong khi doanh thu ghi nhận tăng trưởng 50% lên 3.084 tỷ đồng, HAG vẫn báo lỗ sau thuế 2.174 tỷ đồng, lỗ đậm hơn năm trước gần 266 tỷ đồng.
Tính tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của HAG đạt hơn 36.300 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu kỳ. Trong đó, công ty giảm mạnh tiền nhàn rỗi còn 97 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp ba lần lên 7.672 tỷ đồng, hàng tồn kho duy trì ở mức 2.286 tỷ đồng...
Doanh nghiệp ghi nhận hơn 26.625 tỷ đồng nợ phải trả (tăng 22%), phần lớn là do phát sinh thêm 4.704 tỷ đồng nợ vay và 845 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn; nợ vay dài hạn giảm 12% còn 9.646 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 11.751 tỷ đồng xuống 9.675 tỷ đồng, do thâm hụt chênh lệch tỷ giá hối đoái và tăng lỗ lũy kế.
Đến cuối năm 2020, doanh nghiệp của bầu Đức đang lỗ lũy kế hơn 5.085 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo HAG kỳ vọng khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị, các khoản dự phòng được trích lập trong báo cáo năm 2020 có thể được hoàn nhập dần dần. Lúc đó, tình hình tài chính của doanh nghiệp có thể lành mạnh hơn.
Năm 2021, kết quả kinh doanh của HAG dự kiến sẽ biến động mạnh, do không còn hợp nhất với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) - doanh nghiệp đang chiếm tới 80% doanh thu hợp nhất của HAG.
Trên thị trường, kết phiên giao dịch 29/1, cổ phiếu HAG tăng 400 đồng, đứng ở mức 4.830 đồng/cổ phiếu.