Từ sau những ngày biển động vừa qua, cá tôm xuất hiện ở vùng biển ven bờ rất dồi dào, hầu như ngày nào thuyền của ông Phan Phan ở xã Phong Hải (Phong Điền) cũng trúng đậm. Mỗi chuyến biển đánh bắt cá khoai, cá hanh…, thuyền của ông Phan đều thu về vài tạ, thu nhập 2-3 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Phan, có thể do biển động làm xáo động vùng biển xa bờ, nhất là tầng đáy nên nguồn hải sản thường di cư vào vùng biển gần bờ trú ngụ. Hơn nữa, gần đây ngư dân trở lại “nghề lói” (làm tổ cho hải sản trú ngụ, sinh sôi) nên nguồn lợi hải sản gần bờ ngày càng nhiều.
Đánh bắt vùng biển lộng sau ngày biển động
Sau những ngày biển động, nguồn lợi hải sản dồi dào thường là cơ hội cho ngư dân đánh bắt gần bờ, có nguồn thu nhập khá cao, ổn định cuộc sống sau thời gian dài thuyền nằm bờ. Tính trong vài tuần nay, mỗi chuyến biển, hầu như các thuyền gần bờ ở vùng Ngũ Điền (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Hải Dương (TX. Hương Trà)… đều liên tục trúng đậm vài tạ cá khoai, cá hanh, đối…
Cá khoai giờ đây trở thành món ăn ưa thích đối với nhiều người nên giá bán rất cao. Giá tại bãi biển dao động 70-100 ngàn đồng/kg, tại các chợ, nhất là ở TP. Huế có giá 100-150 ngàn đồng, có thời điểm 180 ngàn đồng. Còn cá khoai vào nhà hàng thì giá còn cao hơn nhiều. Riêng cá hanh một thời gần như biến mất khỏi vùng biển lộng, giờ đây khá dồi dào, giá mỗi kg từ 200 ngàn đồng trở lên.
Nguồn lợi hải sản dồi dào là vậy, nhưng sau những ngày biển động, con sóng dữ vẫn chưa thật sự trở lại hiền hòa, bình thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khi ngư dân “hầu sóng” vươn khơi. Phải mất 30 phút đến cả giờ đồng hồ, ngư dân mời chèo lái được con thuyền vượt qua những đợt sóng lớn, tìm đến vùng biển an toàn đánh bắt hải sản.
Bình thường mỗi chuyến biển đánh bắt gần bờ chỉ đi 2-3 ngư dân, nhưng sau những ngày biển động phải có đến 4-5 người để hỗ trợ thuyền “vượt sóng”, đề phòng giúp nhau những lúc gặp hiểm nguy. Nghĩa tình ngư dân, xóm làng lúc này cũng thể hiện rất rõ. Cứ đến lúc các thuyền “hầu sóng” vươn khơi, trên bãi biển tập trung hàng chục người “canh chừng”, hỗ trợ ứng cứu kịp thời khi có thuyền gặp nạn.
Ông Phan cho biết, mặc dù ngư dân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực bằng mọi cách cho thuyền “vượt sóng” nhưng trong vài tuần nay cũng đã xảy ra 4-5 vụ lật thuyền, không thể vượt qua những đợt sóng lớn. Rất may, lực lượng ngư dân trên bờ đã dùng các phương tiện, thiết bị, phao cứ hộ, ứng cứu kịp thời nên đảm bảo an toàn tính mạng. Riêng thuyền, máy móc, lưới cụ bị thiệt hại nặng nề.
Trúng đậm hải sản sau ngày biển động
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu thông tin, thường vào đầu mùa đánh bắt, chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân thông qua phương tiện truyền thanh của xã. Ngoài các kỹ năng, kinh nghiệm chèo lái của ngư dân, chính quyền địa phương vận động, yêu cầu ngư dân trang bị đầy đủ áo phao, phao tròn… khi “vượt sóng” cũng như quá trình đánh bắt trên biển.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ông Võ Giang chia sẻ, tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân đánh bắt gần bờ đảm bảo an toàn là hoạt động thường xuyên đối với chi cục. Đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đúng quy định, thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn mới cho thuyền vươn khơi khai thác hải sản. Các thuyền phải đảm bảo trang bị đầy đủ áo phao, phao tròn, thông tin liên lạc… mới được ra biển.
Chi cục Thủy sản yêu cầu, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác của ngư dân; nghiêm cấm, tuyệt đối không cho thuyền vươn khơi đánh bắt khi không đảm bảo quy định, các trang thiết bị an toàn…
Bài, ảnh: Hoàng Triều