Masan nhắm mục tiêu tăng trưởng doanh thu 20-40% trong năm 2021


(VNF) - Năm 2020, Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 106,7% lên 77.218 tỷ đồng, được thúc đẩy bởi tăng trưởng nội tại ở mức hai chữ số ở mảng kinh doanh thịt (Masan MEATLife) và hàng tiêu dùng có thương hiệu (Masaun Consumer), cùng với đó là hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập.

VinCommerce hòa vốn EBITDA, MCH tăng trưởng doanh thu 20% trong quý IV/2020

Chia sẻ về kết quả kinh doanh của Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang cho biết nền tảng tiêu dùng bán lẻ The CrownX đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi.

Ông Quang cho hay quý IV/2020, VinCommerce (VCM) đã đạt mức EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương; trong khi đó, Masan Consumer (UPCoM: MCH) tăng tưởng doanh thu gần 20% nhờ vào khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và thế mạnh xây dựng thương hiệu.

"Đây chỉ mới là điểm khởi đầu trên con đường xây dựng hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại, giúp đẩy mạnh tăng trưởng và mang đến các giá trị vượt trội. Năm 2021, Masan đặt mục tiêu chuyển đổi VCM từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline.

Chúng tôi gọi đây là Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính và các dịch vụ giá trị gia tăng", người đứng đầu Masan bày tỏ.

Ông Quang nhấn mạnh đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ.

Về kết quả kinh doanh cụ thể của các đơn vị thành viên, năm 2020, The CrownX - chủ sở hữu VCM và MCH - đạt doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng và biên EBITDA 8,3%.

Trên cơ sở so sánh tương đương, giả định hợp nhất kết quả năm 2019 của VCM, doanh thu và EBITDA của The CrownX tăng trưởng lần lượt 18,1% và 77,9%.

Đi sâu hơn, VCM - chủ sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ - ghi nhận EBITDA quý IV/2020 đạt mức 0,2%. Đáng chú ý, các cửa hàng VinMart+ có doanh thu/m2 tăng trưởng hai chữ số, đạt mức 10,7% vào năm 2020.

Trong khi đó, MCH ghi nhận tăng trưởng doanh thu gần 20% trong quý IV/2020.

"Các phát kiến mới đóng góp 43% vào tăng trưởng doanh thu của MCH trong năm 2020, đặt nền móng vững chắc cho tăng trưởng hai chữ số trong trung hạn. Thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình là các danh mục thúc đẩy phần lớn tăng trưởng cho MCH", phía Masan cho biết.

Mặc dù doanh thu tăng trưởng khá mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế quý IV/2020 của MCH chỉ tăng gần 6%, chủ yếu do chi phí bán hàng tăng mạnh. Điều này là dễ hiểu bởi các phát kiến mới cần đẩy mạnh hoạt động marketing bán hàng.

Lũy kế cả năm 2020, MCH đạt tăng trưởng doanh thu thuần 26% và tăng trưởng lợi nhuận lợi nhuận trước thuế 21%.

Với Masan MEATLife (UPCoM: MML), doanh thu thuần năm 2020 tăng 16,8% lên 16.119 tỷ đồng, biên EBITDA năm 2020 đạt mức 11,7%.

Mảng kinh doanh thịt tích hợp bao gồm chuỗi cung ứng trang trại của MML mang lại doanh thu thuần 2.378 tỷ đồng trong năm 2020, đóng góp 15% vào doanh thu thuần hợp nhất của MML, tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Nhờ vào chuỗi cung ứng tích hợp, biên EBITDA năm 2020 của mảng kinh doanh thịt tích hợp đạt 6,9% do giá heo hơi tiếp tục ở mức đỉnh từ trước đến nay.

"Quý IV/2020, MML đầu tư góp vốn 51% và tích hợp thành công 3F VIET, công ty cung cấp sản phẩm thịt gia cầm có thương hiệu hàng đầu ở thị trường nội địa. Đây là thương vụ sáp nhập nằm trong chiến lược mở rộng danh mục kinh doanh đạm động vật của MML nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đạm động vật đa dạng của người tiêu dùng", phía Masan thông tin thêm.

Năm 2020, doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi của MML tăng trưởng ổn định ở mức 2,8% lên 13.746 tỷ đồng, biên EBITDA cả năm đạt mức 12,5%. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng gần 20%.

Ở mảng kinh doanh khoáng sản, Masan High-Tech Materials (MHT, UPCoM: MSR) đạt tăng trưởng doanh thu thuần 57,8% trong năm 2020 chủ yếu nhờ vào hợp nhất H.C. Starck (HCS) vào tháng 6/2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại lỗ trước thuế gần 600 triệu đồng.

Ngoài ra, Techcombank - công ty liên kết của Masan - ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 23% trong năm 2021.

Xét trên bình diện toàn tập đoàn, Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 106,7% lên 77.218 tỷ đồng trong năm 2020, được thúc đẩy bởi tăng trưởng nội tại ở mức hai chữ số ở mảng kinh doanh thịt (MML) và hàng tiêu dùng có thương hiệu (MCH), cùng với đó là hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập.

Trên cơ sở so sánh tương đương (giả định hợp nhất kết quả kinh doanh năm 2019 của VCM), doanh thu thuần tăng 19,7%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 2.324 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2019.

Masan đặt mục tiêu doanh thu tăng 20-40% trong năm 2021

Năm 2021, Masan đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 20-40% so với năm 2020.

Về lợi nhuận, mục tiêu biên EBITDA trong khoảng 15-20% và biên lợi nhuận thuần từ 3-5% nhờ vào VCM đạt biên EBITDA dương và mảng kinh doanh thịt của MML tiếp tục cải thiện biên EBITDA. Tiềm năng thúc đẩy lợi nhuận cũng tới từ việc giảm nợ vay thông qua tăng vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư chiến lược.

Đi vào chi tiết, doanh thu thuần VCM dự kiến tăng 15-20% nhờ tăng trưởng doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu và việc mở rộng hệ thống cửa hàng minimart, cùng với đó là tái định vị mô hình siêu thị VinMart.

Với MCH, doanh thu thuần dự kiến tăng 15-20% nhờ vào các phát kiến mới, chiến lược cao cấp hóa danh mục thực phẩm và mở rộng quy mô ngành hàng thức uống và sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Biên lợi nhuận dự kiến giữ ổn định do công ty đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá phát kiến mới.

Đối với MML, doanh thu thuần tăng trưởng từ 25-50% nhờ mảng kinh doanh thịt tiếp tục mở rộng quy mô.

Ở mảng khoáng sản, MHT dự kiến doanh thu thuần tăng trưởng từ 50 – 100% từ việc sáp nhập HCS và triển vọng thị trường hàng hóa dần khởi sắc.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội