Người đàn ông ấy có tên là Joseph Figlock, ông được cho là đã cứu mạng 1 đứa trẻ 2 lần trong 2 năm liên tiếp.
Câu chuyện kỳ lạ này được lan truyền có nội dung như sau:
"Vào đầu những năm 1930, tại Detroit, Mỹ, một sự trùng hợp khó tin đã xảy đến với người đàn ông có tên là Joseph Figlock. Trong một lần nọ, Figlock đang đi bộ trên đường thì tình cờ một đứa trẻ rơi ra khỏi cửa sổ của một căn hộ thuộc tòa nhà nào đó. May mắn là người đàn ông này đã bắt được đứa trẻ, giúp em nằm gọn trong vòng tay của ân nhân mà không hề hấn gì.
Mọi chuyện sẽ không có gì đặc biệt nếu như 1 năm sau, điều tương tự xảy ra. Cũng là đứa trẻ ấy lại một lần nữa rơi khỏi cửa sổ và cũng tình cờ lúc đó, Figlock cũng đi ngang qua con đường đó. Một lần nữa, người đàn ông này đã cứu mạng đứa trẻ".
Một phiên bản khác cho biết trong 2 lần xảy ra vụ việc, nhờ có Figlock mà đứa trẻ ấy bình an vô sự, trên người không một vết xước.
Câu chuyện này có vẻ khó tin nhưng nó vẫn được lan truyền khắp các diễn đàn mạng và khiến nhiều người tin sái cổ. Nhưng sự thật là gì? Liệu Figlock có thật sự cứu mạng 1 đứa trẻ không phải 1 mà đến tận 2 lần.
Đầu tiên, phải làm rõ là Figlock không hề đi ngang con đường này một cách tình cờ. Ông là một công nhân quét dọn đường phố làm việc tại Cơ quan Công trình công cộng ở Detroit. Figlock đúng là gặp phải 2 tình huống ấy nhưng là ở 2 địa điểm khác nhau, tất nhiên là ông đã cứu mạng 2 đứa trẻ khác nhau.
Năm 1937, Figlock đang dọn dẹp một con hẻm trên đường John R., Detroit, thì một bé gái rơi từ cửa sổ tầng 4 của một tòa nhà xuống trúng vào đầu và vai của ông. Vụ tai nạn khiến cả 2 người đều bị thương nhưng may mắn là đứa trẻ vẫn giữ được tính mạng.
Báo chí đưa tin về câu chuyện của Figlock
Hơn 1 năm sau, vào tháng 10/1938, Figlock đang làm việc tại một con hẻm gần đường 77 E. Canfield Ave. Bé trai 2 tuổi David Thomas đã rơi từ cửa sổ tầng 4 xuống trúng vào người Figlock, chi tiết khá trùng hợp với vụ tai nạn vào 1 năm trước. Đứa trẻ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng xương một vài bộ phận trên cơ thể bị gãy.
Một điểm giống nhau nữa giữa 2 sự kiện là cả hai đứa trẻ đều may mắn thoát khỏi bàn tay Tử thần. Nhiều tờ báo đưa tin về vụ việc còn gọi Figlock là "nam châm hút trẻ em".
Từ tất cả những thông tin trên, có thể nói câu chuyện lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội chỉ có một nửa sự thật. Hẳn là ai đó đã biến tấu để nó trở nên hấp dẫn và ly kỳ hơn để "câu view", "câu like". Figlock không hề cố ý bắt lấy những đứa trẻ mà thực chất là chúng đã rơi trúng ông. Cả hai bé đều bị thương. Dù chẳng hề có bất kỳ sự trùng hợp nào ở đây nhưng hẳn là sự có mặt của Figlock trong giờ phút quan trọng ấy đã góp phần cứu sống những đứa trẻ.