TPHCM bình ổn hàng hóa Tết trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19


VOV.VN - Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã chuẩn bị nguồn hàng với tổng kinh phí hơn 19.000 tỷ đồng, tăng hơn 650 tỷ đồng, cùng với đó lượng hàng cũng tăng từ 12%-21% so với năm 2020.

Người lao động đắn đo mua sắm Tết

Những ngày cận Tết này, chị Đặng Phương Thảo, công nhân xí nghiệp may tại huyện Củ Chi, TPHCM, suy nghĩ nhiều hơn cho việc chi tiêu đón Tết, phải cân đối vì thu nhập cả nhà đang giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay, các cửa hàng bách hoá, siêu thị mini có mặt ở nhiều nơi, giá cả cũng không có nhiều biến động. Tuy nhiên, chị cũng cân nhắc lựa chọn giữa các thương hiệu vì giá của các mặt hàng như: mì gói, tương, nước mắm… có tăng nhẹ so với thời điểm năm trước.

Người dân huyện Củ Chi, TPHCM mua sắm tại Bách Hoá Xanh

“Giá nhích lên khoảng vài nghìn. Với người lao động thu nhập thấp thì năm nay lo ngại sẽ không mua sắm nhiều, vì cũng phải tiết kiệm phòng dịch Covid-19”, chị Thảo nói.       

Doanh nghiệp chủ động bình ổn giá

Đại diện hệ thống siêu thị Bách Hoá Xanh tại huyện Củ Chi, Hóc Môn cho biết, lượng người đi mua sắm cuối năm đang tăng lên, nhiều công ty đặt mua quà Tết tặng cho nhân viên nên những ngày này, sức mua cũng tăng từ 30%- 50% so với ngày thường. Các siêu thị như: Co.op Mart, Satra, VinMart cũng ghi nhận sức mua tăng.

Một số doanh nghiệp sản xuất cho biết, trong mùa Tết, sức mua phụ thuộc lớn ở thu nhập cuối năm và thưởng Tết của người lao động, do đó, để kích cầu, nhiều doanh nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng đã chủ động giảm giá để cùng người dân vượt qua khó khăn do giảm thu nhập.

Các mặt hàng rau củ quả tại các siêu thị giữ giá bình ổn trước Tết Nguyên đán

“Chúng tôi cố gắng cung cấp ra thị trường nguồn hàng trứng gia cầm dồi dào, đầy đủ. Chúng tôi cũng đã cam kết với thành phố là 2 tháng cao điểm Tết sẽ không tăng giá. Đặc biệt, 2 ngày giáp Tết cuối cùng, chúng tôi sẽ giảm giá để phục vụ cho những người thu nhập thấp và những người lãnh lương, thưởng trễ”, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chuyên về trứng gia cầm cho hay.

Thấu hiểu tâm lý lo lắng của người dân, để tránh xảy ra sốt hàng, tăng giá, nhiều DN cũng đã đẩy mạnh việc cung ứng sản phẩm, có thời điểm lên tới 150% đến 200% so với các tháng trước Tết. Nhóm sản phẩm bánh kẹo tại siêu thị và chợ truyền thống năm nay đa dạng về chủng loại và mẫu mã nên khách hàng có thêm nhiều lựa chọn về mức giá.

Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica chia sẻ, mặc dù tình hình kinh tế chung vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn lập kế hoạch để cung ứng ra thị trường 3.000 tấn sản phẩm và không tăng giá: “Bibica chủ động đưa ra chính sách giữ bình ổn giá nên đa số mặt hàng có giá cả tương đương hoàn toàn Tết 2020”.

Các chợ truyền thống tại TPHCM có nhiều mặt hàng phục vụ Tết

Thông tin từ hệ thống siêu thị Co.op Mart, năm nay, doanh nghiệp này dành ra 5.000 tỷ đồng cho chương trình bình ổn thị trường với 9 nhóm ngành hàng chính gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Siêu thị cũng chủ động tăng số lượng các chuyến xe bán hàng lưu động, hỗ trợ người dân, công nhân tại các huyện ngoại thành như: Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, các khu công nghiệp...

“200 chuyến hàng bán lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ yếu là những hàng nhu yếu phẩm. Công ty thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi đặc biệt hấp dẫn. Đồng thời, chúng tôi kết hợp với các địa phương tặng quà cho bà con khó khăn, các hộ chính sách”, ông Nguyễn Vũ Toàn, Phó Tổng Giám đốc SaiGon Co.op cho biết.

Đảm bảo hàng hóa dồi dào, không sốt giá

Theo Sở Công Thương TPHCM, các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ cung ứng chuẩn bị cho 2 tháng Tết gần 20.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường hơn 7.000 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường hơn 4.000 tỷ đồng.

“Thông qua các chương trình hợp tác thương mại từ Sở Công Thương với các Sở ngành thành phố, các địa phương có nguồn hàng cung cấp cho TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, các tỉnh miền Trung..., thành phố đặt ra trọng tâm chủ động được nguồn hàng, không để xảy ra sốt giá. Các quận, huyện trên toàn thành phố đảm bảo cho bà con có lượng hàng đầy đủ, giá cả hợp lý”, ông Trần Trí Dũng, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TPHCM cho biết thêm.

Chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, các chợ và siêu thị đang thực hiện nhiều chương trình bình ổn giá và khuyến mãi để đạt được sức mua tốt hơn./.

Bài liên quan
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội