Triển vọng cú hích mới cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu


VOV.VN - Lần đầu tiên một Hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn về Thích ứng với biến đổi khí hậu vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến, hứa hẹn nhiều triển vọng mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị, với sự chủ trì của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, đã thu hút sự tham gia của hơn 100 lãnh đạo, quan chức cấp cao, đại diện các tổ chức quốc tế, nhà khoa học trên thế giới; cho thấy mối quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế với biến đổi khí hậu - cuộc khủng hoảng đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Hội nghị không chỉ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm mà còn được kỳ vọng sẽ tạo ra được những cú hích mới cho nỗ lực giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu trong lộ trình dài tới đây.

Hình ảnh minh họa về biến đối khí hậu và thời tiết cực đoan. Nguồn: Nasa.
Hình ảnh minh họa về biến đối khí hậu và thời tiết cực đoan. Nguồn: Nasa.

Hội nghị và kỳ vọng của dư luận

Trước hết, việc tổ chức được hội nghị Thượng đỉnh này đã là một thành công đáng chú ý. Trong nhiều năm qua, vấn đề chống biến đổi khí hậu đã nổi lên như một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21 và rất nhiều hội nghị về chống biến đổi khí hậu đã được tổ chức, ở quy mô cao nhất, như các hội nghị COP của Liên Hợp Quốc, nơi quy tụ gần như tất cả các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các hội nghị đó chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu ở cấp độ vĩ mô, đặc biệt là vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, hội nghị do Hà Lan đứng ra tổ chức là hội nghị đầu tiên tập trung bàn về các hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu và thảo luận các phương pháp để thích ứng và giảm thiểu các thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Nói cách khác thì hội nghị này bàn về các hành động cụ thể, ở cấp độ vi mô, để làm sao ngăn chặn và thích ứng với các hiện tượng như nước biển dâng, thời tiết cực đoan và việc thiếu thốn lương thực do biến đổi khí hậu gây ra. Đó là một điểm khác biệt tích cực. Một chi tiết khác cũng mang đến hiệu ứng tích cực cho hội nghị này là sự trở lại tham gia của nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sau 4 năm xa rời dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Kết quả thu được tại hội nghị là rất đáng khích lệ. Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte công bố, đã có rất nhiều sáng kiến hành động cụ thể, rất nhiều cam kết được các bên đưa ra. Đáng chú ý là việc các nước và tổ chức như Anh, Hà Lan, Bangladesh, Ai Cập, Malawi, St-Lucia và Liên Hợp Quốc đã lập ra “Liên minh hành động thích ứng” với biến đổi khí hậu nhằm gây quỹ, kêu gọi tài trợ, phối hợp hành động. Liên minh này dự định sẽ sớm xây dựng hệ thống cảnh báo bão sớm, đầu tư vào các chương trình lương thực và đẩy mạnh các hình thức nông nghiệp chống chịu hạn hán.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết nước Pháp sẽ chi 2 tỷ euro, tức 1/3 quỹ tài trợ chống biến đổi khí hậu của Pháp, cho các chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cam kết tăng thêm 270 triệu euro cho các chương trình này. Các định chế tài chính lớn như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB) cũng cam kết và đưa ra các hành động cụ thể, như chương trình thúc đẩy thích ứng của châu Phi với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung tài trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, đầu tư cho giới trẻ… Cuối cùng, các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng đưa ra các cam kết cụ thể về chính sách hành động của mình như việc Trung Quốc công bố chiến lược quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2035.

Đại diện Mỹ dự hội nghị lần này báo hiệu chính sách nào của Washington?

Tại hội nghị vừa diễn ra, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đại diện đặc biệt của Tổng thống Joe Biden về khí hậu đã tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc. Điều đó chứng tỏ cam kết của Chính phủ mới ở Mỹ với cuộc khủng hoảng khí hậu, trái ngược với những gì đã diễn ra trong bốn năm trước dưới Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Đặc phái viên John Kerry cho biết, Tổng thống Biden coi chống biến đổi khí hậu là một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách của ông. Vì lý do đó, Mỹ ngay lập tức tham gia trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và dự định làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra tại Vương quốc Anh vào tháng 11 năm nay, sẽ dẫn đến hành động khí hậu đầy tham vọng. Ông Kerry cũng cho biết, Chính quyền Biden đã chuẩn bị một khoản đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Mỹ nhằm đáp ứng tính cấp bách của thách thức về khí hậu và đặt mục tiêu công bố khoản đóng góp này càng sớm càng tốt.

Chính quyền Biden cũng có ý định đầu tư đáng kể vào hành động khí hậu ở trong nước như một phần nỗ lực để xây dựng lại đất nước tốt hơn thời kỳ hậu Covid-19 và trên phạm vi quốc tế nhằm thực hiện cam kết tài chính khí hậu của mình. Về lâu dài, Mỹ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không và không muộn hơn năm 2050, đồng thời giữ giới hạn tăng 1,5 độ C. Đây là những chính sách tốt nhất cho khả năng chống chọi và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do vậy, Mỹ sẽ hành động đồng thời trên ba mặt trận bao gồm thúc đẩy tham vọng, khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, chính quyền Biden sẽ tận dụng dữ liệu, thông tin về đổi mới và khí hậu của Mỹ để thúc đẩy sự nhận thức tốt hơn và quản lý rủi ro về khí hậu, đặc biệt tại các quốc gia phát triển. Mỹ sẽ tăng đáng kể dòng tài chính, gồm cả tài chính ưu đãi cho các sáng kiến thích ứng và chống biến đổi khí hậu. Chính quyền Biden sẽ phối hợp với các thể chế song phương và đa phương để cải thiện chất lượng chương trình chống biến đổi khí hậu. Chính quyền Biden cũng sẽ phối hợp với lĩnh vực tư nhân tại Mỹ và các nơi khác, ở các nước đang phát triển, để thúc đẩy sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa doanh nghiệp và các cộng đồng dân cư mà họ dựa vào.

Không dừng lại ở các cam kết, Chính quyền Biden cũng đã thực thi những hành động cụ thể ở trong nước nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế đối phó với tình trạng nóng ấm toàn cầu. Bằng chứng là bất chấp sự phản đối của không ít chính giới và người dân trong nước, ngay ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Biden đã quyết định hủy bỏ giấy phép xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu khổng lồ Keystone XL giữa Mỹ và Canada. Tổng thống Biden còn ký một loạt sắc lệnh hành pháp tập trung vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Với những khởi đầu ấn tượng như vậy, ta hoàn toàn có thể tin tưởng Chính quyền Tổng thống Biden sẽ đưa nước Mỹ trở lại với vị thế dẫn dắt nỗ lực quốc tế đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu vốn ngày càng cấp thiết.

Cách tiếp cận nào mới trong vấn đề này

Việc Hà Lan đứng ra chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với biến đổi khí hậu là một hành động có tính biểu tượng rất lớn. Hà Lan là quốc gia có 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển và do đó, khi tình trạng trái đất nóng lên gia tăng khiến mực nước biển lên cao trong những thập kỷ tới, Hà Lan càng đối mặt với các thách thức lớn hơn. Tuy nhiên, Hà Lan cũng là quốc gia có hệ thống đê biển, ngăn mặn, công nghệ thủy lợi hiện đại và hiệu quả nhất thế giới, giúp nước này dù có diện tích nhỏ bé và điều kiện tự nhiên bất lợi nhưng vẫn là một trong những cường quốc nông nghiệp hàng đầu của châu Âu. Tại hội nghị, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố Hà Lan sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ các nước khác trong lĩnh vực mà Hà Lan rất mạnh là đê điều, ứng phó với nước biển dâng.

Những cam kết hợp tác như thế sẽ rất có ích cho nhiều quốc gia trong thời gian tới. Các hội nghị thượng đỉnh trước đây đều tập trung vào nguyên nhân của việc gây ra biến đổi khí hậu, như khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tình trạng chặt phá rừng, và đều đề ra các mục tiêu rất vĩ mô cho một mốc thời gian rất dài, như cắt giảm khí thải đến năm 2030, 2050 hay 2070. Dĩ nhiên đây là các mục tiêu vô cùng quan trọng nhưng cần sự cam kết của những nước lớn nhất, cũng là các nước gây ô nhiễm nhất như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… Trong khi đó, các nước phải hứng chịu thiệt hại nặng nhất của biến đổi khí hậu mỗi năm lại phần lớn là các nước nghèo, đang phát triển và hầu hết không phải là các nước gây ô nhiễm nhất.

Do đó, hội nghị Hà Lan vừa tổ chức mở ra một cách tiếp cận thiết thực hơn, đó là bên cạnh các nỗ lực toàn cầu ở tầm vĩ mô về cắt giảm khí thải trong nhiều thập kỷ tới thì điều cần thiết là các nước phát triển, các nước có kinh nghiệm chống biến đổi khí hậu, các tổ chức quốc tế, các thiết chế tài chính lớn cần phải đóng góp nhiều hơn trong việc giúp các nước đang hàng ngày phải hứng chịu các tác động của nước biển dâng, thời tiết cực đoan hay an ninh lương thực bị đe dọa vì biến đổi khí hậu khiến nông nghiệp thất thu… Đây là các hành động cụ thể, thiết thực nhằm thích ứng và sống chung với biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ tới bởi hậu quả của biến đổi khí hậu đã rất rõ ràng và cần phải khắc phục./.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội