Thông tin về các ca nhiễm Covid-19 mới ảnh hưởng tiêu cực tới vận động của cơ sở. Thị trường tương lai cũng phản ánh tương tự khi bên Short đẩy mạnh vị thế và chiếm ưu thế hoàn toàn trong phiên 28/01.
VN30F2102 đóng cửa tại mức giá sàn (-75,7 điểm). Đây cũng là trạng thái của toàn bộ các hợp đồng còn lại, khoảng cách chênh lệch của các hợp đồng trở nên phân hóa nhưng không chênh nhiều với cơ sở. Khoảng cách chênh lệch âm của hợp đồng tháng 2 hiện đạt -4,25 điểm.
Việc thiếu vắng lệnh Long từ sớm khiến thanh khoản chỉ ở mức thấp với hơn 156.334 hợp đồng (so với quy mô trên 200 nghìn đơn vị trong 2 phiên gần nhất). Giá trị giao dịch đạt 16.133 tỷ đồng. Khối lượng mở không thay đổi nhiều so với phiên liền trước, đạt 34.830 hợp đồng.
Trên thị trường cơ sở, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm lịch sử về điểm số và biên độ. Thông tin có các ca nhiễm mới trong cộng đồng ở Hải Dương là nguyên nhân chính tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong phiên 28/1.
Chỉ số VN-Index giảm 73,23 điểm (-6,67%) về còn 1.023,94 điểm; chỉ số VN30 giảm 72,88 điểm (-6,73%) về còn 1.010,75 điểm. Trên HOSE chỉ có 19 mã tăng, còn nhóm VN30 ghi nhận 28 mã dư bán sàn vào cuối phiên; EIB là cổ phiếu duy nhất trong nhóm tăng 2,3%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX và chỉ số HNX30 giảm 8,03% và 8,2%; riêng chỉ số UPCoM giảm 7,17%. Nhìn chung, áp lực bán giá thấp quyết liệt diễn ra trên toàn sàn và rất hiếm hoi có cổ phiếu nào đi ngược thị trường chung.
Giá trị giao dịch trên HOSE không thay đổi nhiều so với phiên trước, đạt khoảng 15.651 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng lên +495 tỷ đồng trên sàn này.
Theo SSI Research, chỉ số VN30 giảm 6,73% với khối lượng giao dịch tăng lên 17% nên tín hiệu vẫn còn nhiều tiêu cực. Xu hướng ngắn hạn của chỉ số đã chuyển sang trung tính và vùng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số nằm tại vùng 1.000 - 950 điểm./.