Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày, nội dung tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII, quản lý tài chính ngân sách nhà nước là một trong những điểm nhấn về thành tựu của đất nước 5 năm qua. Lĩnh vực này cũng được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi danh sách liệt kê các thách thức, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường đã góp phần quan trọng làm nên một trong 5 bài học kinh nghiệm quý báu qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đó là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; thực hiện tốt sự phối hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo đột phá để phát triển.
Không thể làm khác
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương mọi lĩnh vực, trong đó có quản lý tài chính ngân sách là bước đi quyết liệt chưa từng có trong nhiều nhiệm kỳ qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh rằng, phải siết chặt kỷ luật kỷ cương thì mới có thể mở rộng con đường phát triển của đất nước. Bắt đầu từ năm 2016, vào thời điểm mới đang trong quá trình kiện toàn, Chính phủ đã tiến hành công cuộc cải tổ chất lượng bộ máy, siết chặt kỷ cương kỷ luật hành chính, cắt giảm giấy phép con với quy mô lớn và sâu rộng chưa từng có.
Đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, 19/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương.
Nhiệm vụ được Thủ tướng giao cho Tổ công tác này là “bắn có địa chỉ”, bởi ông thấy, “ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ không thể cứ nói xong để đấy”.
Hàng loạt “căn bệnh” trầm kha của các bộ, ngành được Tổ công tác chỉ rõ tức thời và chóng vánh được cải thiện… Hàng loạt món nợ, điển hình như nợ đọng văn bản pháp luật mệnh danh là “nợ xấu” nhiều nhiệm kỳ đã được xử lý. Chỉ sau 2 cuộc kiểm tra của Tổ công tác đối với các bộ, cơ quan trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, tình trạng đã khắc phục về cơ bản, không còn là “nợ xấu” như các nhiệm kỳ trước. Tháng 10/2016, lần đầu tiên Chính phủ báo cáo Quốc hội không còn nợ đọng bất kỳ văn bản hướng dẫn nào.
Thời kỳ “kim tiền” với những cán bộ, công chức mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất bức xúc, “làm gì cũng chỉ nghĩ xem có “chấm mút” được gì”, đang từng ngày bị “xóa sổ” theo sự tăng tốc của Chính phủ điện tử. Cuộc chiến với “giấy phép con”, Chính phủ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, bền bỉ, toàn diện, thẳng tay cắt giảm điều kiện kinh doanh không chỉ ở tầm nghị định mà còn cả điều kiện kinh doanh trong các luật.
Kết quả từ cuộc chiến này, từ năm 2019, Việt Nam trở thành quốc gia có điểm số năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất toàn cầu, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện.
“Cái giá” của sự siết chặt kỷ cương, có lúc cũng làm “mất hết cả anh em”, như chia sẻ của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu trước Nghị trường Quốc hội vào mùa hè năm 2019, “những năm gần đây, bội chi, nợ công được quản lý rất nghiêm túc, nhiều khi mất anh em, bạn bè vì địa phương thì ai cũng muốn vay. Nhưng vì lợi ích quốc gia, chúng ta không thể làm khác”.
Bộ Tài chính cũng được đánh giá là một trong những Bộ kiên quyết bậc nhất về siết chặt kỷ cương bộ máy. Năm 2020, không giảm khí thế vì đại dịch Covid- 19, đã có 276 đầu mối của Bộ Tài chính tiếp tục được cắt giảm trong năm này. Lũy kế từ tháng 6/2017 đến nay, Bộ Tài chính đã rà soát, sắp xếp bộ máy, cắt giảm được 4.328 đầu mối hành chính, giảm 6.460 biên chế.
Gai góc kết trái ngọt
Kết quả của công cuộc siết chặt kỷ cương, mà điển hình là kỷ cương trong quản lý tài chính ngân sách đã không làm “mất hết cả anh em, bạn bè” mà ngược lại. Gai góc lại kết thành trái ngọt là điều có thể nhìn thấy rõ. Phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14, phiên chất vấn về việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là Bộ trưởng nhận ít hơn cả các câu hỏi.
Các chất vấn dành cho Bộ trưởng Tài chính, cũng đều thể hiện một sự đồng cảm rất cao, thay vì truy vấn. Bởi theo ghi nhận của nhiều đại biểu Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, ngành Tài chính đã nỗ lực ở mức cao nhất để đạt được kết quả tốt nhất.
Còn trong các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội còn giúp Bộ Tài chính trấn an cho những nỗi lo lắng của cử tri về sự căng thẳng của túi tiền quốc gia. “Có cử tri lo lắng, phải chăng chúng ta điều chỉnh quy mô kinh tế để có thể nâng cao một loạt tiêu chí như là bội chi ngân sách, nợ công và nợ nước ngoài?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), phát biểu, “theo tôi, điều cốt tử của vấn đề ngân sách là tạo ra nguồn thu, kiểm soát thu chi, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ. Làm tốt những việc trên thì không sợ nâng trần”.
Thực tế, những việc trên đều đang được làm rất tốt theo phân tích của đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), những thành tựu kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là rất lớn, kể cả khi nó bị che mờ đi một phần bởi tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ. Trong những thành tựu đó thì những kết quả trên lĩnh vực tài chính, ngân sách là rất quan trọng, đó là cơ sở để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cũng cho rằng, thời gian qua, nền tài chính quốc gia đã đạt nhiều kết quả tích cực, tiến bộ hơn giai đoạn trước cả về thể chế, chính sách, pháp luật và các mục tiêu thu chi, cơ cấu lại nợ. Với những bước phát triển tương đối toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, ngành Tài chính đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội, hội nhập khu vực và quốc tế, tạo nền tảng quan trọng cho việc triển khai các định hướng phát triển giai đoạn tới.
“Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới là khá nặng nề, nhưng với ý chí và quyết tâm cao, ngành Tài chính xin hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nhiệt huyết, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính - ngân sách nhà nước, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra”. - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |